Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cách đối phó khi gặp cướp trên phố

Nếu không may bị cướp giật, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân bình tĩnh, có thể truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân.

Tại buổi họp báo chiều 5/5, Công an TP.HCM đã trao đổi một số thông tin xung quanh 2 tai nạn giao thông chết người nghi do truy đuổi đối tượng cướp giật tài sản xảy ra tại quận Gò Vấp và quận 12 thời gian gần đây.

Theo thống kê của Công an TP.HCM, trong tháng 4/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 8 vụ cướp tài sản, 61 vụ cướp giật tài sản. Những số liệu thống kê này giảm so với cùng kỳ, nhưng tăng so với tháng trước.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, Công an thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với mọi loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp, cướp giật.

"Công an thành phố đã trển khai nhiều đội đặc nhiệm săn bắt cướp cấp thành phố và quận, huyện để tuần tra, mật phục trên các tuyến đường, sẵn sàng phát hiện và tấn công tội phạm. Công an thành phố cũng triển khai thêm các tổ 363 (giống mô hình 141 ở Hà Nội) để lập chốt kiểm soát tại các địa bàn trọng yếu.

Cùng với đó, Công an thành phố tăng cường quản lý địa bàn, quản lý di biến động các đối tượng tiền án, tiền sự; phối hợp với các cấp chính quyền quản lý chặt hơn những ngành nghề kinh doanh có điều kiện… để ngăn chặn tối đa việc xảy ra các vụ cướp, cướp giật”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

cong an tphcm khuyen cao nguoi dan cach doi pho khi gap cuop tren pho

Lực lượng 363, Công an thành phố Hồ Chí Minh đóng chốt tại các địa bàn trọng điểm, phòng ngừa tội phạm. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, tinh thần tham gia phòng, chống tội phạm của người dân là rất quý. Tuy nhiên, người dân cần chú ý nguyên tắc đầu tiên là bảo toàn sức khỏe, mạng sống của mình.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo: Khi bị cướp hoặc chứng kiến cướp giật, người dân cần hô to, báo hiệu cho người và lực lượng chức năng tại khu vực đó. Nếu đeo bám tội phạm, cần giữ khoảng cách, tốc độ an toàn, ghi nhận càng nhiều càng tốt các thông tin nhận diện bọn cướp.

Sau đó, báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Việc đấu tranh trực diện với tội phạm nguy hiểm, manh động sẽ do lực lượng chức năng có đủ chuyên môn, nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ triển khai.

Người dân cũng cần chú ý quan sát đặc điểm, hình dáng đối tượng, phương tiện, biển kiểm soát... kịp thời báo tin cho công an phường, xã nơi xảy ra vụ việc để lực lượng công an kịp thời xử lý, khoanh vùng, tổ chức lực lượng truy bắt đối tượng", Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ kinh nghiệm xử lý.

Việt Hương (T/h)