Củ ấu có tác dụng gì? Cách ăn củ ấu có lợi cho sức khỏe

Củ ấu không chỉ ăn được mà còn có thể dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh hiệu quả.

Củ ấu còn có tên khác là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực, lăng thực. Củ ấu là loài cây sống dưới nước, thân ngắn có lông. Củ ấu thực chất là quả của cây ấu, vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên được gọi là "củ". Quả ấu thường gọi là "củ" có 2 sừng do các lá phát triển thành, cao 35 mm, rộng 5 cm, sừng dài 2 cm, đầu sừng hình mũi tên. Trong quả chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được.

Thành phần dinh dưỡng của củ ấu

Trong củ ấu có hàm lượng tinh bột chiếm khoảng 49% và hàm lượng protein chiếm 10,3%. Trong 100 g củ ấu còn có chứa những thành phần dinh dưỡng khác bao gồm: 4,5 g albumin, 0,1 g chất béo, 19,7 g đường các loại, 0,19 g vitamin B1, 0,06 g vitamin B2, 1,5 mg nicacin, 13 mg vitamin C, 7 mg canxi, 0,7 mg sắt, 19 mg mangan, 93 mg phốt pho, các chất chống oxy hóa...

Củ ấu chứa rất nhiều carbohydrate tốt, không chứa cholesterol và rất ít chất béo. Loại củ này cũng chứa nhiều protein và chất xơ để thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn probiotic, loại vi khuẩn giúp sản sinh enzyme tiêu hóa tốt cho đường ruột.

Củ ấu nhiều sắt bổ sung cho người thiếu máu, canxi và photpho giúp xương chắc khỏe. Thêm magie và mangan để cơ thể sản xuất enzyme làm giảm stress, bổ sung kẽm để tăng cường hệ thống miễn dịch và nhiều kali tốt cho tim mạch, giảm huyết áp.

Củ ấu có tác dụng gì?

Theo Đông y, củ ấu có vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). Dịch chiết bằng rượu của củ ấu non ăn sống có tác dụng phòng ung thư, u bướu. Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy; củ ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược. Thân cây vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giải độc. Có thể dùng 50 - 200g/ngày dưới dạng ăn sống hoặc nấu canh.

Còn theo y học hiện đại, củ ấu cũng đem lại rất nhiều công dụng đối với sức khỏe nhờ vào thành phần dinh dưỡng của mình.

Củ ấu rất mát nên có tác dụng giúp thanh lọc cơ thể, đặc biệt là gan, giúp mang lại sức khỏe tốt cũng như chữa lành tiêu chảy.

Củ ấu chứa một số tinh bột kháng thuốc dưới dạng amyloza không bị phân hủy trong ruột non, được lên men và trở thành thức ăn cho vi khuẩn tốt trong đại tràng, giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.

Củ ấu chứa rất nhiều chất chống oxy hóa quan trọng để phòng bệnh, ngăn ngừa chữa lành các tổn thương DNA và phục hồi mô. Một nghiên cứu tại Ấn Độ phát hiện củ ấu có thể bảo vệ hệ thần kinh khỏi những tổn thương oxy hóa, do đó làm chậm quá trình lão hóa.

Trong củ ấu cũng chứa i ốt, một chất quan trọng có tác dụng ngăn ngừa bệnh bướu cổ và các bệnh tuyến giáp khác.

Không phải ai cũng biết loại củ gai góc như củ ấu có tác dụng chữa ho, giảm đờm,có ích khi chữa cảm lạnh và cúm.

Củ ấu có khả năng kháng khuẩn mạnh, làm lành các nhiễm trùng do vi khuẩn. Chúng cũng giúp giảm viêm khớp, đau, sưng tấy và đỏ.

Cách ăn củ ấu

Có rất nhiều cách để sử dụng củ ấu, phổ biến nhất là những cách dưới đây:

- Củ ấu ăn tươi: Củ ấu có thể ăn tươi sau khi đã rửa sạch, bỏ vỏ, có tác dụng hiệu quả trong các trường hợp say nóng, say nắng, sốt và mất nước, kích thích, bồn chồn.

- Củ ấu luộc: Củ ấu rửa sạch, luộc kỹ, bóc lớp vỏ ngoài để ăn lớp bột trắng phía trong, hữu ích trong các trường hợp tỳ hư, tiêu chảy, mệt mỏi hay bị mất sức.

- Siro củ ấu: Lấy 250 g củ ấu, làm sạch và mang đi nấu trong khoảng thời gian 1 giờ, sau đó lọc lấy nước và bổ sung thêm đường tiếp tục đun sôi lại và chia làm 2 lần uống trong ngày. Sử dụng hỗn hợp này cho các trường hợp huyết nhiệt, kinh nguyệt ra quá nhiều, hoặc trĩ xuất huyết, có triệu chứng đau rát hậu môn.

- Cháo củ ấu: 30 gam củ ấu tươi bỏ vỏ, 30 gam gạo nếp, cùng với một hàm lượng đường vừa đủ. Sau đó đem hỗn hợp này đi nấu thành cháo và sử dụng cháo 2 lần trong ngày. Tác dụng điều trị của hỗn hợp này sử dụng cho đối tượng có triệu chứng tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột.

- Củ ấu trị mụn cơm, mụn cóc: Lấy tai, đế, cuống củ ấu giã nát đắp trên trên da, vài lần đến khi hết mụn.

THEO K.H