Cụ bà có “thâm niên” 42 năm hít đất
Cụ Nguyễn Thị Kết (ở huyện Phú Riềng, Bình Phước) năm nay 102 tuổi, nhưng mắt vẫn nhìn rõ, chân tay khỏe mạnh, trí nhớ tốt. Dù tuổi đã cao, cụ bà sinh năm 1922 vẫn có thể đi du lịch, lên TP.HCM thăm con cháu.
Ông Nguyễn Văn Bảo (76 tuổi, con trai cụ Kết) cho biết, cụ bà có sức khỏe như hiện nay là nhờ ăn uống lành mạnh, đơn giản, luôn sống vui vẻ, biết quan tâm đến các con cháu và mọi người xung quanh. Đặc biệt, cụ đã có hơn 42 năm tập luyện thường xuyên để rèn luyện sức khỏe, giúp mình sống thọ hơn.
Ở tuổi 102, cụ Kết vẫn có thể hít đất nhẹ nhàng. Ảnh cắt từ video.
Bài tập cụ Kết chọn tập hằng ngày là hít đất (chống đẩy). Đây là bài tập không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, sức bền mà còn định hình cơ bắp của cơ thể cũng như tăng cường khả năng giữ thăng bằng. Đặc biệt bài tập này rất hiệu quả trong việc tăng cường cơ bắp quanh vai, nếu tăng số lượt hít đất dần dần sẽ xây dựng đủ sức mạnh cho cơ vai.
Ông Bảo cho biết, cụ Kết bắt đầu tập hít đất từ năm 61 tuổi để vừa rèn luyện sức khỏe vừa giải trí. Sau đó, cụ dần yêu thích môn thể nào này và hầu như ngày nào cũng tập.
Bước sang tuổi 80, mỗi ngày cụ có thể hít đất được hàng chục cái. Khoảng 2 năm nay, khi cụ bước sang tuổi 100, vì sợ cụ lớn tuổi, xương cốt giòn, dễ gãy nên các con cháu không dám cho cụ tập môn này nhiều. Nhưng mỗi ngày cụ vẫn có thể hít được 10 - 12 cái.
Thay vào đó, để duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, mỗi ngày cụ Kết còn tập dưỡng sinh, các bài tập do cụ tự học được khi xem tivi. Ngoài ra cụ làm việc nhà và luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
Biết mẹ lớn tuổi, không cần làm việc nhà, nhưng vợ chồng ông Bảo vẫn để mẹ làm các việc lặt vặt như cho gà ăn, quét nhà, quét sân, sắp xếp một vài đồ dùng và làm các việc nhẹ nhàng trong vườn để được thư giãn, sống vui với con cháu.
Cụ Kết trong lần đến TP.HCM du lịch với các con. Ảnh: Hải Yến.
Hít đất rất tốt với người trẻ nhưng người già nên cân nhắc
Theo nghiên cứu của chuyên gia y khoa Justin Yang, Đại học Harvard (Mỹ), nam giới nếu không hít đất nổi 10 cái/ngày có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn bình thường nhiều lần trong tương lai. Ngược lại, nếu hít đất hơn 40 cái/ngày, tỷ lệ mắc bệnh tim trong vòng 10 năm kế tiếp giảm 97%. Còn có thể hít đất trong khoảng 21-30 cái/ngày, tỷ lệ mắc bệnh tim cũng giảm khoảng 64%.
Theo Ths.BS Calvin Q Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và Hình thể chuẩn Mỹ, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (TP.HCM), hít đất là bài tập rất tốt cho sức khỏe, nhất là với những người muốn tập để duy trì và cải thiện cơ bắp. Tuy nhiên, đây là bài tập có cường độ nặng trung bình, nên không thích hợp lắm với người tuổi đã cao, trên 70 tuổi. “Vận động rất tốt cho người lớn tuổi, nhưng không nên chọn tập hít đất. Bài tập phù hợp nhất với người lớn tuổi là đi bộ, tập dưỡng sinh và các bài tập tay không cần kháng lực…”, bác sĩ Trịnh chia sẻ.
Về trường hợp cụ Kết đã lớn tuổi vẫn có thể hít đất mỗi ngày, bác sĩ Trịnh cho rằng, do cụ đã duy trì thói quen này từ ngày còn trẻ đến này. Còn với người đã lớn tuổi mà bắt đầu tập luyện môn này sẽ rất khó.
Bác sĩ Trịnh cũng khuyến cáo, không chỉ người lớn tuổi, những người trẻ khi mới bắt đầu tập hít đất cũng nên tập từ từ, từ đơn giản đến khó, từ ít đến nhiều. Điều quan trọng, người áp dụng bài tập này nên căn cứ theo sức khỏe của mình.
Ngoài ra, cụ Kết cũng thực hiện các bài tập về tay mỗi ngày. Ảnh cắt từ video Hải Yến.
Theo bác sĩ Trịnh, hít đất với bức tường là bài tập phù hợp đối với người mới bắt đầu tập luyện hoặc những ai muốn tập chống đẩy nhưng bị chấn thương vai. Bài hít đất này rất tốt cánh tay, vai, ngực và được thực hiện như sau: Người tập đứng cách một bức tường khoảng hơn một sải tay, đặt hai chân rộng bằng vai rồi thực hiện từ từ.
Hay bài tập giảm sức nặng bằng chống đẩy tư thế nghiêng trên bàn ghế trước cũng rất phù hợp với người mới bắt đầu tập. Khi đã quen dần hãy tập các tư thế tiếp theo rồi tới các bài hít đất nặng hơn.
TS BS Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng, vận động thường xuyên rất tốt cho người cao tuổi, tốt nhất là tập vào sáng sớm hoặc chiều mát. Các bài tập phù hợp là thái cực quyền, yoga, thể dục nhịp điệu hay các bài thể dục khác tùy theo khả năng và lời khuyên của bác sĩ điều trị.
Các bài tập có thể từ đơn giản đến phức tạp, tùy vào khả năng và lứa tuổi. Để tập luyện không ảnh hưởng đến sức khỏe, người cao tuổi có thể nhờ huấn luyện viên, chuyên viên vật lý trị liệu tư vấn bài tập phù hợp.