Cuộc cách mạng trang phục trong concert Việt: Cú chuyển mình từ “vai phụ mờ nhạt” đến “linh hồn” của mọi buổi diễn

Từ những tour diễn hoành tráng tầm cỡ thế giới đến sân khấu Việt Nam đang chuyển mình, phần nhìn đã vươn lên thành một yếu tố then chốt quyết định độ “đã” của concert.

Ngày nay, trang phục không còn chỉ là “mặc gì cho đẹp” trên sân khấu. Chúng đóng vai trò như ngôn ngữ hình ảnh, giúp nghệ sĩ kể câu chuyện âm nhạc một cách trọn vẹn. Mỗi outfit được thiết kế không chỉ để phù hợp với concept bài hát, mà còn để thể hiện thái độ, tinh thần và bản sắc cá nhân của nghệ sĩ. Khi đến concert, khán giả không còn chỉ đến để “nghe hát” mà còn muốn trải nghiệm một hành trình nghệ thuật trọn vẹn nơi âm nhạc, thời trang, sân khấu và công nghệ cùng hòa nhịp tạo nên trải nghiệm mãn nhĩ, mãn nhãn. 

Trang phục sân khấu không chỉ phục vụ cho mục đích thẩm mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí và xây dựng câu chuyện xuyên suốt buổi biểu diễn.

Không chỉ đơn thuần là những bộ quần áo, trang phục sân khấu ngày nay đã trở thành một loại “ngôn ngữ thị giác” đầy quyền lực, một công cụ kể chuyện mạnh mẽ, phản ánh cá tính, tư duy nghệ thuật và kết nối cảm xúc giữa nghệ sĩ với khán giả. Trang phục không còn chỉ để “trông đẹp” hay gây ấn tượng ban đầu, mà là một phần cấu thành không thể thiếu trong việc xây dựng không gian biểu diễn, nâng tầm trải nghiệm nghệ thuật và khắc sâu hình ảnh của nghệ sĩ trong tâm trí công chúng.

Với những nghệ sĩ lớn trên thế giới, mỗi bộ trang phục trong concert đều mang một ý nghĩa đặc biệt, như là một phần mở rộng của âm nhạc mà họ trình diễn. Những thay đổi trang phục trong suốt buổi biểu diễn là cách để đánh dấu những chuyển biến trong cảm xúc hoặc thể hiện sự thay đổi trong câu chuyện âm nhạc mà nghệ sĩ muốn đưa khán giả trải nghiệm. Chúng không chỉ là những món đồ thời trang mà là những hình ảnh đại diện cho từng giai đoạn trong sự nghiệp của nghệ sĩ.

Chỉ riêng 2 năm trở lại đây, thị trường âm nhạc đánh dấu sự bùng nổ chưa từng có của yếu tố thị giác trong âm nhạc toàn cầu, khi loạt tour diễn đình đám của các nghệ sĩ như Taylor Swift, Beyonce, Lady Gaga,... không chỉ khiến khán giả cháy hết mình vì âm nhạc, mà còn trở thành sân chơi mãn nhãn của thời trang đỉnh cao. 

Kế thừa tinh thần đột phá từ các sân khấu âm nhạc quốc tế, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi phần nhìn không còn là “phụ kiện” mà trở thành linh hồn thứ hai của concert. Không chỉ dừng lại ở âm nhạc chất lượng, các sự kiện âm nhạc lớn trong nước ngày nay đầu tư bài bản vào trang phục, sân khấu và concept – biến từng đêm diễn thành một bản tuyên ngôn nghệ thuật độc đáo, giàu bản sắc và giàu cảm xúc.

Chỉ cách đây chưa đầy một thập kỷ, trang phục trên sân khấu vẫn là “vai phụ mờ nhạt”. Nghệ sĩ Việt thường chọn trang phục chỉn chu, đẹp mắt – nhưng hiếm khi có sự gắn kết rõ nét giữa outfit và tinh thần âm nhạc tổng thể. Khán giả khi ấy cũng không mấy quan tâm đến khía cạnh thị giác, chỉ chú trọng vào giọng hát và setlist bài hát.

Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi. Khán giả Việt  đặc biệt là thế hệ trẻ  giờ đây chủ động “săn vé” không chỉ để nghe mà để nhìn, để sống trong không gian nơi ánh sáng, thời trang và sân khấu kể nên một câu chuyện. Họ chia sẻ hình ảnh outfit của nghệ sĩ, bàn luận về ý nghĩa trang phục trên mạng xã hội, thậm chí tự phối đồ để “nhập vai” và hòa mình vào concept của đêm diễn.

Một ví dụ điển hình chính là Hoàng Thùy Linh trong concert “Vietnamese Concert”. Chỉ trong 105 phút biểu diễn, Hoàng Thùy Linh đã thay 15 bộ trang phục, mỗi bộ đều được đầu tư công phu và tỉ mỉ để phản ánh tinh thần âm nhạc và văn hóa Việt hiện đại. Từ những họa tiết trống đồng cổ xưa đến chất liệu lụa tơ tằm tinh tế, cho đến kỹ thuật dựng form cách tân, từng outfit không chỉ là một trang phục mà còn là một phần của câu chuyện xuyên suốt concert. Các bộ trang phục không chỉ thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc, mà còn là biểu tượng của sự hòa nhập giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. 

Không thể không nhắc đến “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”, một sự kiện âm nhạc không chỉ mang đến những tiết mục hấp dẫn mà còn trở thành một hiện tượng văn hóa khi khán giả được khuyến khích mặc trang phục truyền thống như áo dài, áo tấc, áo nhật bình, khăn đóng… để tham dự. Với hơn 6.000 người cùng diện trang phục truyền thống Việt Nam, sự kiện đã xác lập kỷ lục Guinness và tạo nên một “bản phối” thị giác ấn tượng giữa khán giả và nghệ sĩ. 

Mới đây nhất trong concert  “Chị Đẹp Đạp Gió 2025”, một sự kiện âm nhạc quy tụ 48 nghệ sĩ nữ đình đám, trở thành một "thảm đỏ thời trang sống động" trên sân khấu. Stylist Travis Nguyễn cùng ê-kíp thiết kế hơn 500 bộ trang phục cho đêm diễn, mỗi bộ được thiết kế riêng theo từng concept riêng biệt, nhằm tôn vinh cá tính và truyền tải thông điệp về người phụ nữ hiện đại – quyền lực nhưng cũng rất duy mỹ…..

Từ đây, các nghệ sĩ bắt đầu hiểu rằng khán giả không chỉ đến để nghe, mà còn để “nhìn thấy” âm nhạc dưới hình hài của ánh sáng, thời trang, màu sắc, chuyển động sân khấu. Người hâm mộ săn vé không chỉ vì nghệ sĩ yêu thích, mà còn vì concept thị giác ấn tượng, vì bối cảnh sân khấu độc lạ, vì mong muốn được “nhập vai” vào không gian sáng tạo đó. 

Sau concert, mạng xã hội ngập tràn những bức ảnh outfit của nghệ sĩ, những video tổng hợp màn trình diễn mãn nhãn, những bài viết phân tích ý tưởng thiết kế sân khấu hay câu chuyện đằng sau từng bộ đồ. Khán giả thậm chí cosplay theo concept concert, đầu tư trang phục riêng để xuất hiện như một phần của buổi diễn. Chính sự đồng điệu ấy đã tạo lực đẩy mạnh mẽ, khiến phần nhìn trong concert Việt không chỉ phát triển  mà bùng nổ với sức sống chưa từng thấy.

PHUONG NGUYEN