Doanh thu và lợi nhuận của Nova F&B liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, thậm chí còn nhỉnh hơn Golden Gate - chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất hiện tại.
Nhà đầu tư Singapore mua lại mảng F&B của NovaGroup
Báo Tuổi trẻ đưa tin, mảng F&B (dịch vụ ẩm thực) của NovaGroup đã không còn thuộc quản lý, vận hành bởi Nova F&B sau khi nhà đầu tư ngoại mua lại mảng này.
Phía NovaGroup cũng xác nhận việc đã chuyển giao mảng F&B của tập đoàn này cho nhà đầu tư mới và việc giữ hay "khai tử" thương hiệu nào trong chuỗi F&B này do phía nhà đầu tư mới quyết định.
Công ty CP Nova F&B đã được "sang tay" cho nhà đầu tư Singapore. Thương vụ do Tập đoàn VinaCapital làm cầu nối giữa nhà đầu tư Singapore và Novaland, tuy nhiên, giá trị thương vụ không được cả phía Novaland lẫn VinaCapital tiết lộ, song inaCapital đóng vai trò môi giới cho nhà đầu tư Singapore. Sau đó, phía VinaCapital cũng đóng vai trò giới thiệu nhà quản lý, vận hành chuỗi này thay cho nhà đầu tư mới.
Với thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) này, nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp quản và khai thác chuỗi thương hiệu cà phê, nhà hàng, club… do Nova F&B phát triển hoặc được nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam từ các thương hiệu trong khu vực.
Đáng chú ý, trong số này có thương hiệu kinh doanh cà phê mới nổi như PhinDeli, cà phê Cô Ba, Saigon Casa… từng xuất hiện ở những vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.
Hiện tại, người đại diện pháp luật và giám đốc của Công ty CP Nova F&B đã được thay đổi sang bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc.
Bà Ngọc chính là Tổng giám đốc Công ty CP IN Hospitality, doanh nghiệp nắm các thương hiệu trung tâm hội nghị GEM Center và White Palace ở TP.HCM.
Ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của Tập đoàn VinaCapital cho biết hiện IN Holdings là đơn vị quản lý, vận hành chuỗi nhà hàng và thức uống của Nova F&B, chuỗi này được đổi tên thành IN Dining sau khi tiếp quản.
"Bán mình" khi đang trên đà tăng trưởng
Theo Vietnamnet, Nova F&B được Novaland ra mắt ngày 12/8/2020. Các cửa hàng trong chuỗi chiếm các vị trí đắc đạo tại các quận trung tâm TP.HCM. Ở thời điểm ra mắt, Nova F&B cho biết đang trong tiến trình làm việc để hợp tác cùng các thương hiệu Magal BBQ, Lotteria, Pizza Maru (Hàn Quốc), Mango Tree (Thái Lan), Yakiniku BBQ (Nhật Bản)...
Gần 3 năm qua, danh mục các thương hiệu do đơn vị này quản lý gồm: mảng nhà hàng Jumbo Seafood, The Dome Dining &Drinks, Dynasty House Hongkong Dimsum & Hotpot, Au Lac Do Brazil; Marina Club, Embassy Lounge, Number 1 Beach Club, Food Train Restaurant, Grand Lounge; Mảng chuỗi cà phê: Saigon Casa Cafe, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, PhinDeli, Cà phê Cô Ba,...
Sinh sau đẻ muộn, nhưng cũng giống cách các tập đoàn lớn mở rộng đa ngành, Nova F&B nhanh chóng vượt lên nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái dân cư tại những dự án của Novaland. Doanh thu và lợi nhuận của Nova F&B liên tục tăng trong những năm gần đây.
Theo tờ Nhịp sống thị trường, về tình hình kinh doanh của Nova F&B, năm 2019, doanh thu của công ty này đạt gần 17 tỷ đồng. Một năm sau, con số này gấp hơn 8 lần lên gần 140 tỷ đồng và vượt ngưỡng 200 tỷ vào năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cùng với doanh thu, hiệu quả hoạt động cũng tăng mạnh qua các năm nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Từ mức 34% năm 2019, đến năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Nova F&B đạt hơn 65%. Con số này thậm chí còn nhỉnh hơn Golden Gate, chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất hiện tại, với biên lãi gộp quanh ngưỡng 58-61%.
Năm 2022, Nova F&B có thể còn tăng trưởng cao hơn nếu nhìn từ số liệu của Golden Gate, khi chuỗi nhà hàng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao đột biến nhờ sự phục hồi của thị trường.
Việc bán đi một mảng kinh doanh đang trên đà tăng trưởng có lẽ không phải điều mà tập đoàn này mong muốn. Thực tế, thương vụ này được NovaGroup thực hiện trong bối cảnh phải tái cấu trúc toàn diện để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
Vân Anh (T/h)