Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp của các gia đình. Hạn sử dụng của các loại dầu thực vật rơi vào khoảng 18 – 24 tháng. Sau khi đã mở nắp, hạn sử dụng của dầu ăn sẽ bị rút ngắn. Các chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ thời gian tiêu thụ tốt nhất của dầu sau khi mở nắp là trong vòng 3 tháng.
Sở dĩ không nên dùng lâu là vì một khi mở nắp, phản ứng oxy hóa trong dầu sẽ được đẩy nhanh. Đặc biệt, thói quen để dầu ăn cạnh nguồn nhiệt càng khiến tốc độ oxy hóa diễn ra mạnh hơn. Thêm vào đó, dầu ăn để lâu, nhất là dầu lạc, có thể nhiễm độc tố aflatoxin - chất có khả năng gây ung thư mạnh. Thường xuyên tiêu thụ chất độc này gây tổn hại lớn cho gan của bạn.
Theo Insider, dầu ăn hết hạn có thể có mùi hôi, vị chua, sẽ làm hỏng hương vị món ăn. Loại dầu này cũng có khả năng trở thành môi trường sản sinh nấm mốc, ăn vào dẫn tới ngộ độc nấm mốc với các biểu hiện chóng mặt, nôn ói.
Chỉ cần quan sát bằng mặt thường, bạn có thể nhận biết liệu dầu ăn còn đảm bảo an toàn hay không. Cụ thể, nếu dầu không trong mà bị đục, màu đậm hơn so với lúc mới mua, lắng cặn, đông đặc đáy chai thì không nên sử dụng.
Bên cạnh việc chú ý tới thời gian dùng, bạn nên lưu ý đến cách bảo quản dầu ăn. Tương tự các gia vị khác, dầu ăn nên được đặt nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và nguồn nhiệt. Nắp chai cần được đóng kín sau khi dùng để tránh bụi bẩn lọt vào, hạn chế tình trạng oxy hóa.
Tuyệt đối không đựng dầu ăn trong vào thùng vại kim loại hay chai lọ bị ướt vì nước bên trong lọ có thể có vi khuẩn, khiến dầu ăn phân hủy và dễ bị hỏng. Nếu bạn mua chai dầu ăn lớn và muốn chiết ra, nên sử dụng trong chai lọ nhựa, thủy tinh sạch, khô ráo.
Một điều nữa cần lưu ý là không đổ lẫn dầu cũ vào dầu mới, dễ khiến dầu ăn bị biến chất, tạo khói, có mùi lạ khi nấu nướng. Trong trường hợp thấy dầu ăn chuyển màu, có hương vị lạ thì nên vứt bỏ và mua chai mới ngay.