Đấu thầu tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long: Hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA giá cao bất thường

Cùng một hạng mục thiết bị song mức giá mua sắm của bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long lại chênh lệch gấp nhiều lần so với một số tỉnh thành khác. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về sự bất thường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu…

Đâu là giá trị thật?

Ngày 17/11/2020, theo Quyết định số 559/QĐ-BVĐK do ông Đoàn Văn Hùng - Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long ký đã phê duyệt cho liên danh là công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex và công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Lưu trúng Gói thầu số 1: Mua sắm hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và máy bơm bóng đối với xung động mạch chủ cho bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long” trị giá 38.840.000.000 đồng. Trong gói thầu này, hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền DSA có giá lên đến hơn 34 tỷ đồng.

Quyết định số 559/QĐ-BVKĐ ngày 17/11/2020

Rà soát các bước thực hiện gói thầu, thoạt nhìn, tất cả đều có vẻ được làm đúng theo quy định hiện hành dựa trên cơ sở pháp lý là luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm, dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, PV nhận thấy có hiện tượng giá thành của hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền DSA tại Vĩnh Long cao hơn 8,2 tỷ đồng so với các gói thầu tại một số tỉnh thành khác.

Giá thành của hệ thống chụp mạch DSA trong gói thầu tại tỉnh Vĩnh Long

Cụ thể, hệ thống chụp mạch DSA (model: Artis Q Ceiling, hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, Đức), Vĩnh Long mua hết hơn 34 tỷ đồng thì vào tháng 12/2020, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam mua hết 25,8 tỷ đồng (thấp hơn Vĩnh Long 8,2 tỷ đồng). Hay tại Hà Giang, sở Y tế tỉnh này mua thiết bị này với giá 29,7 tỷ đồng (thấp hơn Vĩnh Long 4,3 tỷ đồng).

Giá thành của hệ thống chụp mạch DSA trong gói thầu tại Quảng Nam

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị y tế, ngoài chi phí mua bán hàng hóa, các doanh nghiệp thường phải chịu thêm chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành, đào tạo nhân sự vận hành,... Tuy nhiên, con số chênh lệch lên đến 8,2 tỷ đồng thì… không tưởng tượng nổi!

Để rộng đường dư luận, PV Đời sống & Pháp luật đã đặt lịch làm việc với bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi.

Có thể xử lý hình sự nếu cố tình làm đội giá, ăn chênh lệch

Trao đổi với PV, Luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng) nêu quan điểm: Trong đấu thầu, vì có sự cạnh tranh nên mức giá nếu có chênh lệch thì cũng không mang tính đột biến và cũng không phải là quá nhiều.

Theo Luật sư Việt, tại điểm c Khoản 1 Mục I Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 01/10/2020 về việc tăng cường công tác đầu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế; Điều 8 Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 thì trước khi xác định giá gói thầu, Bên mời thầu phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế. Đồng thời, giá gói thầu bảo đảm phù hợp với giá trang thiết bị y tế đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

“Trường hợp, điều tra, xác định được có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu, đội giá thiết bị để ăn chênh lệch, gây thất thoát ngân sách ngân sách Nhà nước thì hành vi đó có thể bị xử lý hình sự nếu đủ cấu thành tội phạm”, luật sư Việt nhận định.

PV sẽ tiếp tục đưa tin.

capture12-1619094058.PNG
 

 

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật