Theo tài liệu mà PV có được, tại gói thầu “Nâng cấp hệ thống xử lý vệ sinh môi trường và các hạng mục phụ trách khác thuộc bãi rác Hồ Mơ, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống” do UBND huyện Nông Cống phê duyệt ngày 22/5/2020, Công ty Tiến Đạt đã trúng thầu với giá 1.729.451.000VNĐ. Trong hồ sơ dự thầu, đơn vị này đề xuất các nhân sự gồm Trần Thanh Tú, Đinh Văn Tuấn, Vương Mạnh Hiếu.
Tuy nhiên, khi cả ba nhân sự trên đang trong thời gian thực hiện gói thầu tại xã Tế Lợi, Công ty Tiến Đạt vẫn cố tình sử dụng các nhân sự này tham gia dự thầu tại gói thầu “Trường mầm non xã Tế Lợi, huyện Nông Cống. Hạng mục: Nhà lớp 2 tầng 6 phòng và các hạng mục phụ trợ”.
Dấu hiệu bất thường này của Công ty Tiến Đạt không bị bên mời thầu phát hiện. Do đó, UBND xã Tế Lợi đã ra quyết định số 59/QĐ-UBND phê duyệt lựa chọn Công ty Tiến Đạt là đơn vị trúng thầu, với giá 6.774.075.000VNĐ.
Chưa dừng lại, Ngày 06/01/2021, UBND xã Vạn Hòa, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa ra thông báo mời thầu gói thầu “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ QL.45 đi trạm biến áp số 1, thuộc địa bàn thôn Đồng Lương, thôn Đồng Thọ, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống”.
Trong hồ sơ mời thầu quy định rõ: Nhà thầu không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận. Thế nhưng, trong hồ sơ dự thầu, Công ty Tiến Đạt vẫn đề xuất cán bộ Trịnh Văn Huệ và Đỗ Hùng Mạnh. Đây là hai nhân sự đang trong thời gian thực hiện gói thầu tại xã Tế Lợi và xã Thăng Bình.
Về vấn đề này, dư luận không khỏi thắc mắc rằng trong quá trình đấu thầu, năng lực của đơn vị tư vấn lập và đánh giá hồ sơ dự thầu có đảm bảo? Có hay không lợi ích nhóm trong các gói thầu này?...
Chủ đầu tư không có chuyên môn?
Trao đổi với PV, ông Hoàng Thanh Nội – Phó chủ tịch UBND xã Tế Lợi cho biết, sự việc này xã không nắm được chuyên môn, toàn bộ các gói thầu do xã làm Chủ đầu tư đều được thuê một đơn vị bên ngoài thực hiện.
“Đúng là công ty Tiến Đạt trúng hai gói thầu do UBND xã làm Chủ đầu tư, nhưng hiện giờ hai dự án này đều đang vướng mắc về quy hoạch nên vẫn chưa thể thực hiện. Về nội dung này anh sẽ trao đổi lại với Chủ tịch UBND và sẽ phản hồi lại”, ông Nội cho hay.
Phân tích vấn đề dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lại Thu Trang - Giám đốc công ty Luật TNHH Gia Việt Global, nhận định: Theo quy định tại Mẫu hồ sơ Dự thầu ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.
Theo luật sư Trang, trong trường hợp này, các gói thầu mà công ty Tiến Đạt tham gia có vốn từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, chủ đầu tư khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải tuân thủ theo hướng dẫn của bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, tại điểm c, khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định nghiêm cấm hành vi gian lận trong đấu thầu như sau: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
“Như vậy, có thể thấy, việc công ty Tiến Đạt đăng ký nhân sự chủ chốt trùng lặp tham dự nhiều gói thầu cùng một lúc có dấu hiệu vi phạm quy định trong lập hồ sơ dự thầu theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu được xem là “hành vi kê khai không trung thực” và “nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận” đã nêu tại Thông tư này”, luật sư Trang nhấn mạnh.
Dương Nguyễn - Người Đưa Tin Pháp Luật