ĐBQH kỳ vọng các Bộ trưởng trả lời “đúng và trúng” vấn đề của ngành

Các ĐBQH cho rằng 2 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại phiên họp thứ 31 của UBTVQH là nội dung được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm.

Theo chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (18/3) để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, 2 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn là nội dung được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Các vấn đề được nêu ra trong hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao khá chặt chẽ và toàn diện.

Đối thoại - ĐBQH kỳ vọng các Bộ trưởng trả lời “đúng và trúng” vấn đề của ngành

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, 2 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn là nội dung được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm.

Theo đó, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài ra là việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.

Cùng với đó là hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao. Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

“Lựa chọn 2 lĩnh vực chất vấn này rất cấp thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, đây đều là những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm”, bà Sửu nói.

Bà Sửu cho rằng, như trong lĩnh vực tài chính làm sao tạo ra một môi trường ngân sách minh bạch, khách quan. Công tác quản lý các quỹ từ ngân sách cũng phải chặt chẽ, toàn diện.

“Thị trường chứng khoán phải trả lại sự minh bạch, linh hoạt và đủ sức mạnh để tồn tại phát triển bền vững”, bà Sửu nói thêm.

Nữ đại biểu kỳ vọng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung được đưa ra sẽ sát thực tế. Đồng thời, kỳ vọng các Bộ trưởng tiếp tục phát huy tinh thần cầu thị, trả lời thẳng thắn, đúng và trúng vấn đề, đưa ra được các giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực ngành quản lý.

Đối thoại - ĐBQH kỳ vọng các Bộ trưởng trả lời “đúng và trúng” vấn đề của ngành (Hình 2).

ĐBQH Phạm Văn Hòa kỳ vọng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trước mắt và lâu dài.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông đặc biệt quan tâm tới nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.

Theo ông Hòa, các nội dung được nêu trong lĩnh vực tài chính đều là vấn đề quan trọng, cần làm rõ và có những giải pháp kịp thời.

Với những chuyển biến và đổi mới trong hoạt động chất vấn thời gian qua, ông Hòa tin tưởng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi trọng tâm, bám sát và theo đúng chủ đề, nhóm lĩnh vực đề ra.

“Cùng với đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần cầu thị sẽ trả lời thẳng thắn, không né tránh, trực diện vào vấn đề chất vấn. Đồng thời, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực. Từ đó, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trước mắt và lâu dài”, ông Hòa nói thêm.

Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn. Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.