ĐBQH Nàng Xô Vi: “Chỉ cần một câu động viên đúng thời điểm sẽ tạo động lực rất lớn cho học sinh”

Nữ ĐBQH nhắn nhủ đến đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng khó: “Tôi rất mong các thầy cô hãy luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, gieo những hạt mầm tri thức, không ngừng truyền cảm hứng cho học sinh, để giúp các em mở cánh cửa tương lai tươi sáng hơn”.

Hành trình vượt khó vươn lên của nữ ĐBQH người Brâu - Nàng Xô Vi (25 tuổi ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ về nghị lực theo đuổi đam mê, tự khẳng định mình và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Vốn là một giáo viên trẻ, ĐBQH Nàng Xô Vi mong muốn góp sức mình để đưa ngành giáo dục phát triển hơn nữa, đặc biệt là giáo dục dân tộc.

Nhân dịp Hiến chương nhà giáo Việt Nam - ngày 20/11, ĐBQH Nàng Xô Vi đã có những chia sẻ với PV Phụ nữ và Pháp luật về cơ duyên và khát vọng với nghề giáo.

PV: Thưa ĐBQH Nàng Xô Vi, câu chuyện theo đuổi ước mơ trở thành một giáo viên cống hiến cho quê hương của chị đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho không ít người. Và điều gì đã gieo được động lực lớn đến vậy để chị có thể vượt qua những khó khăn, thử thách?

ĐBQH Nàng Xô Vi: Trước tiên, tôi xin chia sẻ về những người đầu tiên đã truyền cảm hứng cho mình. Đó là ngay từ khi tôi còn rất nhỏ, nơi tôi sinh ra nằm ở “ngã ba Đông Dương”, tỉ lệ học sinh biết chữ không nhiều. Nhìn các thầy cô từ miền xuôi, vượt đường sá xa xôi lên vùng cao dạy học, tôi không khỏi ngưỡng mộ. Bởi, tôi cảm thấy các thầy cô vừa đẹp lại rất gần gũi, luôn cố gắng trò chuyện thật nhiều với học sinh để hiểu học sinh hơn, để không bạn nào bỏ lớp. Rồi khi đó, bất cứ câu hỏi nào của chúng tôi đều được các thầy cô giải đáp, lúc đó, có lẽ tôi đã nghĩ các thầy cô giống như một “cuốn từ điển sống” vậy.

z2944741424112-07f95eb26386b6ef0186f1a6d46e7cf8-1637239179.jpg
ĐBQH Nàng Xô Vi và câu chuyện về hành trình theo đuổi ước mơ đã khiến không ít người ngưỡng mộ.

Thế là trong tôi cũng bắt đầu nhen nhóm lên một ước mơ, được trở thành cô giáo. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in, những buổi mà mấy đứa trẻ trong thôn bản rủ nhau chơi đóng giả thầy cô, rồi lấy than củi viết vẽ khắp nền đất, bờ tường. Lúc ấy làm gì dễ kiếm được một viên phấn như bây giờ… Thế là, có lần, chúng tôi còn “đánh liều”, lên bảng “trộm” những mẩu phấn nhỏ của thầy cô, cả phấn trắng, phấn màu, để mang về viết vẽ với nhau. Đó sẽ là những hình ảnh mà tôi có lẽ không bao giờ có thể quên được.

Mặc dù hồi đó, tôi cũng là một trong những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có thể, vì nhìn các bạn xung quanh cũng tương tự, nên qua một góc nhìn lạc quan, tôi chỉ luôn nghĩ đó là những trở ngại ban đầu mình cần phải bước qua và cứ tiến về phía trước, dù có thể, bản thân khi đó còn chưa xác định được rõ ràng đích đến sau cùng là gì…

Khi tôi lên lớp 10, một người bạn duy nhất trong làng cùng đi học với tôi đến tận thời điểm ấy, cùng đột ngột bỏ học. Tôi hụt hẫng, cảm giác như mình bị “bỏ rơi” vậy. Tuy nhiên, sau đó, tôi lại biến cảm xúc tiêu cực đó trở thành động lực cho mình, và nỗ lực 200%, để quyết tâm vào đại học, quyết tâm trang bị cho mình một nghề nghiệp ổn định.

Suy nghĩ của tôi đơn giản lắm! Câu chuyện vừa rồi, tôi gửi đến các em học sinh, đặc biệt ở vùng cao một thông điệp: Mỗi người sinh ra ở “vạch đích” hay vạch gì không quan trọng, quan trọng là mình có quá trình cố gắng hay không. Điều kiện kinh tế, điều kiện gia đình chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là đam mê và tin tưởng vào chính bản thân mình. Dù các em sinh ra là ai, ở bất kỳ đâu, thì chỉ cần luôn tin mình làm được và nỗ lực thực hiện, thì sẽ thành công.

z2944741377404-e37fdee180b232a6fa1540df77cf47c1-1637239179.jpg
Cô giáo trẻ cũng muốn truyền thông điệp đến các học sinh: Mỗi người sinh ra ở “vạch đích” hay vạch gì không quan trọng, quan trọng là mình có quá trình cố gắng hay không.

PV: Vậy sau những tháng ngày nỗ lực trên ghế nhà trường, chị đến với nghề giáo một cách suôn sẻ không? Gia đình đã đồng hành cùng chị như thế nào trên con đường đã chọn?

ĐBQH Nàng Xô Vi: Tôi xin tâm sự thật, là ngay khi vừa ra trường, tôi từng phải chờ xin việc trong một thời gian khá dài, cuộc sống khá bấp bênh, nên đã quyết định vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tôi bắt đầu từ những công việc như bán bánh mỳ, rồi xin vào làm giáo viên thỉnh giảng tại trung tâm giáo dục phổ thông - trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh.

Một thời gian sau, khi biết ở quê nhà có đợt thi tuyển viên chức, tôi không giấu nổi niềm vui, vì ngay từ nhỏ, tôi đã luôn mong được giảng dạy trên chính quê hương mình, “gieo chữ” cho chính những học sinh ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên. May mắn mỉm cười với tôi, nhưng lại không đến với chồng tôi, anh ấy thi tuyển không đậu. Thế nhưng, nhìn thấy niềm mong mỏi đã từ lâu của vợ, anh ấy đã sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, để cùng tôi về mảnh đất Kon Tum, vun đắp mái ấm.

z2944741407629-d58f6bbfc708c4f9fbcf0a05fe46ab43-1637239179.jpg
Sự ấm áp khi ở bên học trò vẫn luôn là một niềm vui lớn của nữ ĐBQH.

Trước nay, ở đâu đó vẫn còn “hằn sâu” những định kiến “đóng đinh” về vai trò, trách nhiệm của người vợ hoặc người chồng trong gia đình, vì bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Thậm chí, khi tôi trở thành ĐBQH, vẫn có những lời xì xầm, đụng chạm không hay đến tai anh ấy. Nhưng tôi rất may mắn, khi có một người chồng luôn thấu hiểu và “bỏ ngoài tai” hết những lời lẽ ấy. Ngay như việc, anh thương tôi nên cùng tôi bỏ một công việc tốt ở thành phố lớn để về quê, cùng tôi gây dựng lại từ đầu, cũng là một minh chứng rất rõ ràng cho việc anh ấy luôn ủng hộ tôi trên mỗi chặng đường.

Tôi thấy có một câu nói rất hay: “Định kiến nói chung và định kiến giới nói riêng chỉ càng làm khổ những người mà chúng ta yêu thương và cả chính bản thân chúng ta”. Đơn giản bởi vì, khi chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm trong gia đình và xã hội, sẽ đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

PV: Xin chị hãy chia sẻ những cảm nhận đầu tiên khi trở thành một ĐBQH trong nhiệm kỳ này.

ĐBQH Nàng Xô Vi: Tôi vừa là một người trẻ, lại thiếu nhiều kinh nghiệm hơn so với những vị đại biểu khác, nên cũng có lúc cảm thấy mình hơi thiếu tự tin. Có lẽ vì vậy mà lại đến tận khi đã trúng cử, tôi vẫn còn bất ngờ. Đến thời điểm này, cảm xúc đó vẫn còn.

Trở thành ĐBQH đối với tôi lại là một cơ duyên nữa. Mới đầu, khi được lãnh đạo đơn vị đề cử, tôi chưa thực sự tự tin. Tuy nhiên, sau đó, được mọi người động viên và gửi gắm rất nhiều, thậm chí, khi tôi chia sẻ câu chuyện này trên mạng xã hội, lần đầu tiên, bài viết của tôi có nhiều tương tác đến vậy, các thầy cô từng giảng dạy, từng hướng dẫn tôi cũng quay lại gửi những lời chúc rất ấm áp. Từ giây phút ấy, tôi nhận thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn.

z2944741434860-7f9a529beb789b9c2d8308914f6de8f0-1637239179.jpg
Trở thành “cầu nối” đưa ý kiến của cử tri đến Quốc hội khi mới 25 tuổi, nữ đại biểu cho biết, đôi lúc cũng hơi thiếu tự tin, nhưng khẳng định sẽ cố gắng hết sức mình.

Rồi trong một buổi tiếp xúc cử tri, khi tôi đứng trên bục phát biểu, chia sẻ về chương trình hành động, nhìn xuống phía dưới, thấy mọi người đang chăm chú dõi theo, thậm chí nhiều người cũng gật gù tán thưởng, tôi như được tiếp thêm một nguồn động lực rất lớn, chẳng còn run như lúc trước nữa, cảm giác thoải mái hơn rất nhiều.

Ngay tại khoảnh khắc ấy, tôi cũng nghiệm ra một điều: Đối với học sinh, chỉ cần một câu động viên đúng thời điểm, là sẽ tạo động lực rất lớn. Giáo dục cũng không thể thiếu kỷ luật, nhưng cần kỷ luật và khen thưởng đúng lúc, để học sinh có thể phát triển tốt nhất.

PV: Hiện tại, chị có trăn trở gì với lĩnh vực giáo dục tại địa phương? Chị có thể chia sẻ một vài dự định và mong muốn của chị trong thời gian sắp tới.

ĐBQH Nàng Xô Vi: Hiện nay, tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển giáo dục dân tộc. Theo tôi thấy, tình trạng trẻ em đến lớp ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tỉ lệ trẻ bỏ học còn cao, đồng thời, nhiều nơi, điều kiện cơ cở vật chất còn hạn chế, giáo viên vùng khó cũng gặp không ít trở ngại trong công tác dạy học… đó là những điều khiến tôi rất trăn trở.

Tôi cho rằng, học sinh ở miền núi cũng có rất nhiều bạn giỏi, các bạn chưa phát huy được khả năng của mình, chẳng qua thứ nhất là do môi trường, thứ hai là do điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học còn hạn chế,… có thể gọi là những rào cản trong điều kiện tiếp cận với tri thức.

Vì vậy, tôi mong muốn tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục vùng khó, đặc biệt là giáo dục các em người dân tộc thiểu số, để giúp các em được đi học, có thêm kiến thức. Điều này không chỉ giúp các em có cuộc sống tốt, có công việc ổn định sau này, mà sẽ góp phần đưa văn hóa, dân tộc mình phát triển hơn.

Thời gian tới, tôi sẽ tích cực trau dồi bản thân, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể truyền tải và mang được tiếng nói của mình, của đồng bào dân tộc thiểu số ra nghị trường Quốc hội. Thông qua đó, đề xuất các chính sách về giáo dục, việc làm với mong muốn giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập, tiến tới thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa miền ngược với miền xuôi…

z2944741442759-b8005a54c1cbbc78f31e47b8f514edef-1637239179.jpg
ĐBQH Nàng Xô Vi mong ngành giáo dục sẽ quan tâm nhiều hơn đến các thầy cô giáo.

Đồng thời, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi muốn nhắn nhủ đến các thầy cô đã và đang công tác trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên vùng khó, rất mong các thầy cô hãy luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, gieo những hạt mầm tri thức, truyền cảm hứng cho các em, để các em có thể mở ra cánh cửa tương lai rạng rỡ hơn. Biết đâu, sau này, chính các em sẽ lại trở thành những “kỹ sư tâm hồn”, trở thành những người đồng nghiệp của chúng ta, và mở rộng thêm cơ hội cho học sinh được đến trường ở vùng khó.

Đặc biệt, tôi cũng mong, ngành giáo dục dành sự quan tâm sâu sắc nhiều hơn nữa đến những người thầy, người cô đã và đang dành trọn thanh xuân cho thế hệ tương lai. Mong rằng, chúng ta có thể kịp thời động viên những người “kỹ sư tâm hồn” ấy, bởi chính họ sẽ trực tiếp “gieo mầm” và “ươm mầm” cho đất nước. Nếu bản thân mỗi giáo viên còn quá khó khăn, thì làm sao đủ vững tin và giúp được học trò?!

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!

(Ảnh: NVCC).