Vận hành Quỹ bình ổn giá hài hòa lợi ích
Tiếp tục chương trình, sáng 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành việc dự thảo Luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan.
Giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước.
Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.
Về Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước doanh nghiệp và nhân dân.
Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan Nhà nước là Bộ Công thương.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập. Do đó, khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.
Đại biểu cho rằng để quản lý Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ Nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.
Về danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị rà soát kỹ và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Đại biểu chỉ rõ thực tiễn đã có những mặt hàng rất thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng lại không đưa vào danh mục.
Về hội đồng thẩm định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị phải quy định thật rõ. Đại biểu đặt vấn đề thành viên Hội đồng thẩm trả giá ngoài 50% có bằng cấp, chứng chỉ liệu đã đủ tiêu chuẩn chưa. Do đó phải quy định về thành phần Hội đồng thẩm định giá để có thể an tâm về chất lượng của Hội đồng thẩm định giá.
Đảm bảo minh bạch trong thẩm định giá
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Đại biểu cho rằng, tình trạng trên xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.
Nhận thức điều đó, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi các điều khoản này để khắc phục những bất cập hiện hành, cụ thể ở Điều 47, Điều 53. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên.
Đại biểu nêu rõ, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 quy định: Thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình hoặc bảo vệ báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm, cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, chứ không phải chí có báo cáo khi yêu cầu, để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.