Đi thực tập và bị “lợi dụng” các sinh viên nên hay không nên lên tiếng?

Nhiều sinh viên thực tập đã rơi vào khủng hoảng, không dám lên tiếng nói ra sự thật vì sợ người khác nghi ngờ phẩm giá của mình, sợ rằng ảnh hưởng đến kỳ tốt nghiệp của mình dù rõ ràng họ đang bị sếp "lợi dụng"..

Thực tập cũng có những góc tối riêng

Cứ càng gần đến thời điểm cuối năm học thế này lại càng xảy ra nhiều vụ việc gây tranh cãi và tiếc nuối trong môi trường học đường, nhất là vào thời điểm mùa thực tập của các bạn sinh viên đang được diễn ra. Trước khi các bạn bước vào kỳ thực tập, các bạn đã được nghe ngóng và học hỏi từ những anh chị đi trước, khi đi thực tập sẽ học hỏi được những gì và những câu chuyện tréo ngoe nào mà các bạn phải cần vượt qua, để hoàn thành tốt bước cuối cùng của mình trên con đường học vấn. Thế nhưng liệu đã có ai từng nói với các bạn sinh viên rằng, việc thực tập cũng có những góc tối riêng, cũng có những sự thật được ẩn giấu vì sợ rằng khi chúng được phơi bày sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu?

Sinh viên thực tập và những câu chuyện bị "lợi dụng"

 

Từ khi nào sinh viên cũng trở thành những "người giúp việc" ?

Có lẽ biết được những ngây thơ, đơn giản trong tư tưởng của các sinh viên và suy nghĩ sợ sệt của các bạn khi mới bước chân ra đời nên các anh/chị đi trước dù bất cứ nghề nghiệp hay công việc nào cũng đã nảy sinh ý định và hành động có ý "lợi dụng", quấy rối các bạn. Chúng ta sẽ nói rộng hơn một chút không chỉ riêng về việc bị lợi dụng tình dục như nhiều người vẫn nghĩ, mà khi là "lính mới" thì là vô vàn chuyện khác nhau để sếp "lợi dụng", nào là từ việc công để làm việc riêng của sếp, hay những lúc sinh viên bị rơi vào những cám dỗ của nghề, những lời mời gọi "không hợp lý", thậm chí trở thành những "con rối" cho các sếp được " chân sai vặt".

Đã từng có những sinh viên rơi vào trường hợp đi thực tập nhưng chỉ để pha trà, bưng nước, quét dọn,... cho các sếp. Đúng rằng với một người non trẻ, chưa biết gì về công việc và cuộc sống thì phải học từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Nhưng thực tập sinh không phải là những "người giúp việc" để "phục vụ" các sếp suốt 8 tiếng ở văn phòng. Trước khi các bạn ấy đến thì những ai đã làm các công việc đó, mà "nỡ lòng" để các bạn ấy mất thời gian của mình ở một chỗ không học được việc? Không phải tự nhiên bộ giáo dục lại "sinh" ra khoảng thời gian thực tập, đây chính là lúc để các bạn sinh viên học việc, dù ít dù nhiều thì một người sếp có tâm và có tầm sẽ giúp các bạn hiểu được công việc này ra sao, cần những gì khi áp dụng kiến thức từ sách vở vào thực tế.

Khi đi thực tập và không được làm những việc mình như mong muốn, nhiều sinh viên rơi vào tình trạng chơi vơi, thậm chí mất phương hướng và nghi ngờ về công việc mà mình dự định theo đuổi.
 
Mà đâu chỉ có thế, cũng rất nhiều sếp chọn sinh viên thực tập để thực hiện những mục đích riêng bằng các việc công. Trường hợp này không có những ví dụ cụ thể, nhưng nó gần như là những chuyện mà sinh viên thực tập nào cũng trải qua. Với lý do "đi làm thì sếp bảo gì làm đó", nên không ít sinh viên đã phải làm luôn cả những chuyện liên quan đến giữ con để sếp đi gặp "khách", mua ít quần áo để sếp dự "event",...
 
Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn sinh viên còn bị lợi dụng tiền bạc để giúp đỡ sếp trong một vài trường hợp sếp nhờ vả, nhất là những chuyện nhà, chuyện gia đình của sếp dù số tiền đó chẳng đáng là bao... so với sếp, nhưng có khi là mất toi 1 tuần ăn sáng của một sinh viên thực tập còn đang dùng tiền trợ cấp từ gia đình.

Thậm chí còn có những sinh viên bị "lợi dụng" chất xám và công sức vào những dự án cá nhân của sếp, giúp sếp được lợi cho riêng mình nhưng đến khi kết thúc đợt thực tập lại nhận được vỏn vẹn vài lời phê bình "tạm ổn, chuyên môn bình thường,..."

 

Cám dỗ của nghề thì ở đâu cũng có những phải chăng chính các sếp đang muốn "lợi dụng" điều đó để quấy rối?

Đối với những sinh viên thực tập không có sự đề phòng, quá vội vàng trong việc mong muốn mình được giúp đỡ có công việc tốt thì luôn là nạn nhân của những người sếp hay dùng cám dỗ của nghề để "dụ dỗ" các bạn. Đôi khi chỉ đơn giản là "mời gọi" các bạn sinh viên có những hành động thân mật riêng tư với mình cùng lời hứa "dự án a,b,c... sẽ là do em trực tiếp làm" hay "công việc xyz sẽ là của em".

Các bạn sinh viên khi bắt đầu thấy sếp mình có quá nhiều những lời mời gọi "không hợp lý" ấy đeo bám dai dẳng suốt nhiều ngày mới nhận ra mình đang bị sếp của mình "lợi dụng". Còn các sếp thì luôn nghĩ rằng những lời "mời mọc" cực kì hấp dẫn đó sẽ có thể lung lay được các bạn sinh viên.

 

Một trong những mặt tối khác của việc sinh viên thực tập bị "lợi dụng" là bị sếp quấy rối tình dục. Nó cũng là một dạng của "những lời mời gọi" như trên, nhưng khác cái là nó được thực hiện một cách "kĩ càng" và có những sự "đụng chạm" khác.

Cụ thể hơn thì những lời mời của sếp càng lúc càng "không hợp lý", không cà phê riêng cùng sếp thì cũng là đi gặp khách hàng cùng sếp nhưng cuối cùng chỉ có sếp và... mình.

Đến khi chỉ có hai người với nhau, sếp bắt đầu có những hành động khiến các bạn sinh viên "ghê tởm" như vuốt tóc, xoa đầu rồi những cái "đụng chạm" thân thể các bạn với lời nói mang quá nhiều hàm ý... Rồi từ đấy mới dẫn đến những lời "mời mọc" "cao siêu" hơn để đáp ứng "nhu cầu cá nhân" của sếp.

Sự "lợi dụng" ấy mang theo những nỗi sợ rất lớn cho các bạn sinh viên

 

Sinh viên nữ bắt đầu đi thực tập cũng là lúc để cho những nỗi sợ ăn mòn

Câu chuyện mà các bạn sinh viên thực tập không thể chịu được những cảm giác khủng hoảng, sợ hãi mỗi khi sếp của mình có hành động "mời gọi" nhằm "lợi dụng" mình đều cứ tiếp diễn hằng ngày, chẳng qua chúng ta không biết.

Câu chuyện thật sự như thế nào chúng ta không được nắm rõ nhưng có thể hình dung được các bạn sinh viên đã phải chịu đựng rất nhiều những dằn xé đến từ bên trong.

Một chị đã làm việc lâu năm trong ngành truyền thông có kể về việc mình đã từng bị "lợi dụng" để sếp có cơ hội quấy rối tình dục. Tuy nhiên hành động của chị ấy là im lặng cho qua mà không lên tiếng, vì chị ấy có những nỗi sợ riêng mà chắc có lẽ bất kì sinh viên thực tập nào cũng sẽ rơi vào tình trạng đó.

Sợ một góc tối nào đó của bạn thân bị phơi bày, sợ người ta không hiểu chuyện sẽ nghi ngờ nhân phẩm của mình, sợ nhất là người thân sẽ lo lắng về công việc mà mình đang theo, sợ bị mọi người phủ sạch cố gắng mà nghĩ sự hạ mình sẽ đổi lấy được sự nâng đỡ, và cũng sợ xã hội sẽ lại định kiến về những đồng nghiệp vô can.

 

Thế nhưng tất cả những nỗi sợ ấy đều có căn nguyên hợp lý. Nhìn bề nổi của sự việc, ắt hẳn những đồng nghiệp trong công ty ai cũng có thể thốt lên những điều bàn tán ấy. Không nói quá nhiều về sự cạnh tranh trong công việc, nhưng ở cùng một vị trí, thấy sếp ưu ái cá nhân nào đó hơn thì con người ta cũng dễ sinh ra sự đố kị.

Biết thế nên các bạn sinh viên thực tập rơi vào tình cảnh bị quấy rối đều rất sợ người khác bàn tán như thể, tất cả những chuyện này đều là do các bạn ấy tự nguyện làm nên.

Chính bản thân các bạn cũng không thể nào đối mặt với những câu nói nghi ngờ nhân phẩm mình như "con này có sao thì mới bị vậy", "không có lửa làm sao có khói"... Và cũng chính những con người như thế sẽ vô tình hủy bỏ hết những cố gắng của các bạn sinh viên thực tập, cho rằng các bạn hạ mình để được nâng đỡ nếu sự việc ấy bị phơi bày.

 

Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất đeo bám các bạn sinh viên thực tập bị "lợi dụng" là sợ rằng gia đình mình sẽ cảm thấy lo lắng cho công việc mà mình đang theo đuổi. Họ sẽ có những suy nghĩ rằng công việc này có môi trường làm việc "đáng sợ" đến thế sao, công việc này muốn yên ổn thì phải thỏa hiệp với những việc làm "ghê tởm" như thế của sếp hay sao?

Và chính gia đình cũng là những người lo lắng nhất khi nghĩ rằng chẳng lẽ thực tế khi đi làm là phải hạ mình để được nâng đỡ? Có rất nhiều bạn sinh viên vì sợ những điều đó nên chẳng dám nói ra, càng không muốn gia đình phải vất vả lo đút lót hay tìm việc chỗ khác cho mình. Thật sự có rất nhiều gia đình sẽ hành động như thế vì con mình.

Một nỗi lo lắng nhiều và lớn đến vậy thì với một người vốn còn non nớt trong cuộc sống, chưa có nhiều sự va chạm liệu có dám đương đầu?

 

Thần tượng sếp và một nơi làm việc nào đó cũng khiến các bạn sinh viên lâm vào cảnh "sụp đổ" và tổn thương cực lớn nếu có chuyện gì xảy ra.

Nếu đã nói đến nỗi sợ của sinh viên khi gặp phải trường hợp này cũng phải kể đến có những bạn rất thần tượng sếp của mình. Nói cách khác, trước khi các bạn đến với nghề thì những bậc tiền bối đi trước chính là tấm gương mà các bạn muốn phấn đấu và noi theo.

Vậy nên, những việc xấu của sếp vô tình phá hỏng hình ảnh đẹp ban đầu trong lòng các bạn. Rồi nỗi sợ lại lên ngôi với hàng vạn câu hỏi như "nếu nói ra sếp mình bị mất đi hình ảnh đẹp mà ông ta đã cố gắng xây dựng bao lâu nay", "rồi sẽ chẳng ai tin một người tốt đẹp như thế lại có những việc làm xấu xa đến thế". Và cũng không ít bạn vì thần tượng, vì cả nể mà để yên những việc sếp làm dù nó đáng bị lên án.

 

Cả thanh xuân để mơ ước về nơi mà mình đang thực tập, nhưng đời không như mơ, sinh viên thực tập

Nỗi sợ cũng xuất phát từ việc thuở non trẻ của mình, nơi mà các bạn muốn thực tập và làm việc chính là nơi nổi tiếng với bao nhiêu điểm tốt về sự chuyên nghiệp, về môi trường làm việc năng động, phát triển được bản thân,...

Nói cách khác, nơi mà các bạn đang thực tập chính là mơ ước của mình từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường nên các bạn muốn trụ lại, muốn làm việc lâu dài chứ không hề muốn nói ra sự thật nếu rơi vào trường hợp bị quấy rối để rồi cuốn gói rời bỏ nơi đó trong lầm lũi.

Và khi nói ra, chính là gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty, một người nhỏ bé cũng rất sợ trước những "thế lực" lớn hơn mình rất nhiều. Thế nên nỗi sợ đủ lớn để lấn át tất cả những lý trí rằng mình cần phải nói ra, cần phơi bày sự thật.

Phơi bày những góc tối, nên hay không nên?

 

Rơi vào trường hợp này, ai cũng cần có những người đi trước chỉ dẫn để thoát ra khỏi nó. Vậy cách giải quyết cho việc này là im lặng hay lên tiếng mới đúng? Là phơi bày những điều tồi tệ mà mình gặp phải hay chọn cách xem như chưa từng có gì xảy ra và gặm nhấm cảm giác sợ hãi, lo lắng?

Hãy để phong trào #METOO giúp các bạn lên tiếng một cách công khai và đúng đắn nhất. Có thể một lúc nào đó các bạn sẽ tiếp tục là nạn nhân, hoặc một ngày nào đó, những đứa em đi sau bạn sẽ là nạn nhân nên hãy lắng nghe xem im lặng lúc nào và lên tiếng ra sao.

 

Các bạn sinh viên thực tập có những nỗi sợ dẫn đến không dám nói ra sự thật đơn giản là vì các bạn chưa có sự từng trải nào rõ rệt giữa cuộc đời. Không sao, đó là chuyện mà ai cũng như thế, phải đi làm, phải bước ra đời mới biết có những thứ chông gai, khó khăn và đáng sợ đến thế nào.

Nhưng chính vì sợ hãi mà các bạn chọn cách im lặng, chọn cách bỏ qua những chuyện xấu đó, một mình mình ôm lấy những thương tổn xuất phát từ sâu bên trong, và biến mỗi ngày đi làm của mình trở thành "địa ngục" với cảm giác thấp thỏm, liệu bao giờ những kẻ xấu xa kia sẽ lại xuất hiện và tiếp tục mang đến những nỗi sợ khác cho mình mà không có sự đối phó hay giải quyết cụ thể.

 

Vậy những khi các bạn rơi vào những trường hợp như thế thì sao? Hãy lên tiếng và im lặng thật đúng lúc. Tại sao lại im lặng đúng chứ?

Vì nếu bạn chỉ vừa nhận lấy những lời nói nghe "chẳng lọt tai" hãy học cách im lặng nhưng không sợ hãi, hãy phản ứng và từ chối bất kể là lời dụ dỗ nào đến từ sếp vì bạn không cho phép, những kẻ xấu đó không có quyền được "đụng chạm" đến bạn.

Hãy cố gắng thu xếp một chỗ thực tập mới và rời đi. Có thể bạn sẽ chậm hơn những bạn bè đồng trang lứa của mình thêm một học kì nữa chẳng hạn. Nhưng chả sao cả, bạn cần có những bài học, những trải nghiệm để thật sự bước ra đời. Mà sự cẩn trọng bao giờ cũng giúp chúng ta đi chọn được sếp tốt, nơi làm việc tốt và môi trường làm việc phù hợp. 

Đôi khi sự cân nhắc để im lặng cũng là điều tốt, bạn không thể đối mặt với những quyền lực "đao to búa lớn" nếu nó ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân và danh tiếng doanh nghiệp. Nếu thật sự chưa đến lúc, bạn có quyền im lặng, nhưng như đã nói ở trên, hãy học cách "phản kháng" một cách khéo léo. Và như thế vẫn chưa đủ để dập tắt những ham muốn "lợi dụng" sinh viên thực tập của các sếp, thì đây là lúc bạn cần phải lên tiếng.

Đừng sợ hãi điều gì cả vì bạn đang bảo vệ bản thân mình một cách hợp lý nhất. Hãy kể câu chuyện của mình với cộng đồng, họ sẽ chính là người lên tiếng đòi lại công bằng cho bạn, đừng ngồi yên trong bóng tối để những điều không hay cứ tiếp tục xảy ra. Vì không chỉ bạn là nạn nhân mà mai này sẽ còn có những bạn khác.

Và điều cực kỳ quan trọng khác mà ban đừng quên, hiện tại bạn chỉ là đang thực tập, bạn vẫn chưa tốt nghiệp và rời khởi mái trường. Vì vậy chính thầy cô và ngôi trường hiện tại sẽ là nơi bình yên nhất và đáng tin tưởng nhất để bạn thổ lộ tất cả những vấn đề từ chính nơi được cử đi thực tập hiện tại.

 

Như đã nói, sợ hãi đến từ sự chưa từng trải, nên muốn có được "sự từng trải" hãy đối mặt với nó, dám đứng dậy đấu tranh vì lẽ phải.

Nếu hôm nay bạn chưa đủ can đảm, thì ngày mai, rồi ngày mốt, bất cứ khi nào cũng được nhưng nhất định hãy dũng cảm nói ra càng sớm càng tốt vì sự an toàn của bản thân.

Hôm nay sẽ có những người thay bạn lên tiếng những góc tối mà các bạn đang phải gánh chịu, thì ngày mai, bất kì những cô gái nào đều đã bị "lợi dụng" nơi công sở cũng hãy lên tiếng, nói ra câu chuyện của mình trên công đồng để những kẻ như thế không có cơ hội được "lợi dụng" nữa.

Các cô gái non nớt có thể còn trẻ, còn chưa biết gì như một mầm xanh cần được chăm bón, cần phải vượt qua những khó khăn để vươn mình phát triển.

Nhưng các bạn ạ, chúng ta không được thỏa hiệp với việc bị chà đạp và xem đó là khó khăn cần im lặng vượt qua để lớn. Vì chúng ta sẽ lớn khi ngăn chặn được những cái đạp chân đó.

Theo Yan.vn