Đi tìm nguồn năng lượng toàn dân

An ninh năng lượng cần phải được hiểu đúng, đủ và thông thái để khắc phục, đồng thời phát huy ưu thế của từng loại hình năng lượng.

Theo tính toán của NASA, mặt trời có thể cung cấp năng lượng trong khoảng 6,5 tỷ năm nữa. Năng lượng mặt trời có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi trên thế giới, không chỉ ở vùng gần xích đạo trái đất mà còn ở các vĩ độ cao thuộc phía Bắc và phía Nam bán cầu.

Điện mặt trời (ĐMT) được gọi là “năng lượng toàn dân”, phản ánh sự đơn giản của việc tích hợp ĐMT vào hệ thống cung cấp điện nhà, song song với điện lưới hoặc điện từ các nguồn cung khác.

Tiêu dùng & Dư luận - Đi tìm nguồn năng lượng toàn dân

Sạch, vô tận, có thể khai thác rộng rãi ở mọi khu vực trên trái đất là những ưu điểm của NLTT.

Năng lượng tái tạo: Nhìn từ thực tế

Kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật đã xác lập nhiều kỳ tích cho nhân loại, trong đó các nước văn minh đã đi trước nhiều năm và đưa ra khẳng định ĐMT là xu hướng phát triển tích cực trong việc cung cấp năng lượng cho các nhu cầu tư nhân và công cộng với nhiều ưu điểm. Nổi trội nhất chính là khả năng tái tạo của nguồn năng lượng này.

Việc sản xuất năng lượng mặt trời có ưu điểm hơn các loại năng lượng thủy điện, nhiệt điện hay phong điện. Do không sử dụng các loại động cơ bên trong như máy phát điện, vì vậy việc tạo ra điện không gây tiếng ồn và nhất là có thể được sản xuất ở quy mô hộ gia đình.

Phạm vi ứng dụng của loại hình này cũng rất rộng - cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia; dùng để khử muối trong nước biển ở nhiều quốc gia châu Phi khan hiếm nước ngọt, và thậm chí cả việc cung cấp năng lượng cho các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất.

Ông Fatih Birol, Giám đốc của IEA nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch mang lại nhiều lợi thế và cơ hội, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng, tạo việc làm, phát triển các ngành công nghiệp, cải thiện an ninh năng lượng và một tương lai bền vững cho tất cả người dân.

Tiêu dùng & Dư luận - Đi tìm nguồn năng lượng toàn dân (Hình 2).

Các nhà máy nhiệt điện là một trong những nguồn tạo ra khí độc và các hạt ô nhiễm.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới, “Thế giới năng lượng sạch ngày nay phát triển nhanh chóng. Đầu tư là yếu tố then chốt để giúp các nước hưởng lợi từ nền kinh tế NLS”.

130 năm điện than & 95 năm thủy điện 

Tháng 2/1894, Nhà đèn Vườn hoa - Nhà máy điện than đầu tiên của Việt Nam đã được người Pháp xây dựng tại Hải Phòng. Còn hai nhà máy thủy điện mang tên Tà Sa, Nà Ngàn được xây dựng từ những năm 1927-1928 trong giai đoạn thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai.

Nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhiệt điện chủ yếu là than đá - nhiên liệu hóa thạch có trữ lượng lớn ở các khu vực ổn định về chính trị, như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, than là nhiên liệu không tinh khiết, không thể tái tạo và trong quá trình đốt đã tạo ra lượng khí thải nhà kính.  

Tiêu dùng & Dư luận - Đi tìm nguồn năng lượng toàn dân (Hình 3).

Tàn phá rừng để làm thủy điện. (Đại công trường dự án thủy điện Bản Hồ không phép ở Lào Cai). (Ảnh: Báo Nông nghiệp VN)

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) lo ngại về tác động môi trường của việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu này gây ra sự phát thải các chất ô nhiễm như NOx, SOx, CO2, CO, PM, khí hữu cơ, hydrocarbon thơm đa vòng, là tác nhân làm tăng mưa axit, ô nhiễm không khí và có liên quan trực tiếp đến sự nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố vào tháng 8-2010, cho biết đã phát hiện xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện có các chất gây ô nhiễm bao gồm cả chất độc asen và chì liên quan đến các bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về sức khỏe và phát triển khác, đã phá vỡ đời sống thủy sinh địa phương.

Than đá là phần còn lại của vỏ trái đất cũng chứa hàm lượng urani, thori thấp và các đồng vị phóng xạ tự nhiên khác. Một nhà máy điện đốt than 1.000MW có thể giải phóng không kiểm soát tới 5,2 tấn uranium và 12,8 tấn thorium mỗi năm.

Thủy điện bức tử thủy văn

Ngày nay, khi công nghệ đang sải những bước tiến dài thì các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu môi trường còn khẳng định, thủy điện không còn là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn khi số lượng diện tích rừng bị mất đi, hay số hộ dân bị xáo trộn cuộc sống để phục vụ cho việc phát triển nguồn điện này trong thời gian qua.

Điều cần quan tâm ở đây là, chính sự phát triển nóng và dày đặc của thủy điện vừa và nhỏ đang dẫn đến thực trạng các lưu vực sông bị tàn phá, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên xuống hạ lưu. Đặc biệt, khi khu vực đồng bằng không còn được bồi đắp bởi phù sa nữa, thì nước ta sẽ mất đi lợi thế phát triển nông nghiệp. 

Càng ngày, tính tiện ích, lợi điểm của ĐMT đã được các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu môi trường phát hiện ra nhiều điều rất thú vị. Và tên gọi “năng lượng toàn dân” là một định nghĩa hiện đại, chính xác như bản chất của loại hình năng lượng này.

"Dưới ánh mặt trời, mọi thứ đều được phơi bày sáng tỏ"

Tiêu dùng & Dư luận - Đi tìm nguồn năng lượng toàn dân (Hình 4).

ĐMT “Năng lượng toàn dân” một định nghĩa không cần bàn cãi.

Không quá khó để thời đại của 4.0 - 5.0 hoàn toàn khắc phục những hạn chế của ĐMT bị hạn chế công suất vào ban đêm hay trong những ngày nhiều mây và mưa. Xét cho cùng điện gió, điện mặt trời vẫn có nhiều ưu thế hơn, nên an ninh năng lượng cần phải được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiểu đúng, đủ và thông thái để khắc phục, đồng thời phát huy ưu thế của từng loại hình năng lượng.

“Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tiềm năng về năng lượng sạch rất lớn nhưng mức độ đầu tư còn thấp hơn nhiều so với sự cần thiết từ thực tế. Để giải quyết các nhu cầu cấp bách về năng lượng và các mục tiêu giảm phát thải ở các nền kinh tế này, chúng ta cần huy động vốn tư nhân với tốc độ nhanh và quy mô lớn, đồng thời khẩn trương phát triển nhiều dự án có thể đầu tư hơn”, Makhtar Diop, Giám đốc của IFC nhấn mạnh.

Bảo Vy