Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT cho biết tất cả các điểm của bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp KHTN; KHXH đều quy về 1 đầu điểm theo thang điểm 10. Trong đó, điểm mới của kỳ thi năm nay là, bài thi tổ hợp KHTN gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi KHXH gồm các môn Lịch sử, Địa lý; Giáo dục công dân sẽ quy về 1 đầu điểm thay vì tách 3 đầu điểm như mọi năm. Như vậy, mỗi thí sinh sẽ có 4 đầu điểm để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Trả lời câu hỏi của nhiều học sinh về việc không tách đầu điểm như vậy, học sinh sẽ thiệt thòi khi đã học theo các khối từ đầu năm học, ông Trinh lý giải, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra của bậc phổ thông hiện nay hướng tới giáo dục toàn diện. Đồng thời, khuyến khích phát triển năng khiếu của mỗi học sinh qua các môn học khác nhau. Tuy nhiên, vì mục tiêu đó nên chúng ta không chấp nhận bỏ môn này hay môn khác vì như vậy sẽ không đạt mục tiêu giáo dục.
Bài thi tổ hợp vẫn gồm các phân môn như năm ngoái. Bài thi tổ hợp KHTN gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi KHXH gồm các môn Lịch sử, Địa lý; Giáo dục công dân. Vì thế, chỉ sợ các em học không vững còn kiến thức vững hoàn toàn đáp ứng. Với yêu cầu này các em phải học toàn diện để đảm bảo nền tảng và học sâu vào môn năng khiếu để có lựa chọn ngành nghề về sau.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước để đảm bảo mặt bằng chung và sự khách quan công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được bộ GD&ĐT công bố; đáp ứng yêu cầu tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ được ra sát với nội dung tinh giản chương trình đã được bộ GD&ĐT công bố; không đánh đố học sinh; phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa hợp lý để vừa đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, vừa có thể phân loại được mức độ đáp ứng chuẩn của các thí sinh khác nhau, nghĩa là phân loại được các nhóm học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu, kém.