Cuộc đua giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng
Theo Kinh tế & Đô thị, chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngân Hàng Nhà Nước đã 4 lần giảm từ 0,5 - 2% cho các mức lãi suất điều hành, từ đó đưa mức lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7 - 0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 - 1,2%.
Lãi suất huy động nhiều ngân hàng vượt mức 10%/năm vào tháng 10/2022. Đến nay, không còn ngân hàng nào có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên 8%/năm.
Mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng cũng đang rất thấp, bình quân hiện chỉ còn 0,16%/năm, nằm trong vùng đáy lịch sử được thiết lập vào cuối năm 2020.
Theo Người Lao Động, ngày 24/7, một loạt "ông lớn" ngân hàng đã niêm yết biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm khá mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Tại Agribank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 3,3%/năm, thay vì mức 3,4%/năm trước đó. Các kỳ hạn dài cũng giảm xuống chỉ còn 6%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 13-24 tháng, giảm 0,3 điểm % so với tuần trước. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại Agribank là 6,3%/năm áp dụng duy nhất cho kỳ hạn 12 tháng.
Tương tự, VietinBank cũng giảm lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng 0,1 điểm % về còn 3,3%/năm; các kỳ hạn còn lại giữ nguyên. Lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 6,3%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Vietcombank và BIDV cũng không nằm ngoài "cuộc đua" giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng về mức 3,3%/năm khi khách gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng thời điểm này. Các mức lãi suất trên 12 tháng giữ nguyên là 6,3%/năm.
Các "ông lớn" ngân hàng thêm một lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi trong bối cảnh thị trường nhận định nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước còn một lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
Hiện trần lãi suất huy động các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng là 4,75%/năm, như vậy, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước đang huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng thấp hơn nhiều so với trần lãi suất.
Xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh sức ép từ thị trường phải giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,73% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp vẫn khát vốn
Theo Kinh tế & Đô thị, thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của hiệp hội về việc giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%, đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: ”VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN, cũng như các cam kết và đồng thuận cùng các tổ chức hội viên. Với lời kêu gọi của hiệp hội về giảm lãi suất 1,5 - 2%, VietinBank sẵn sàng hưởng ứng”.
Ông Lê Xuân Trung - Thành viên Hội đồng Thành viên Agribank cho hay, so với đầu năm 2023, lãi suất cho vay bình quân hiện nay của ngân hàng đã giảm 1%. Phó Chủ tịch HĐQT HDBank - Nguyễn Thành Đô chia sẻ, HDBank cũng tích cực tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm và cho vay liên tục được các ngân hàng công bố giảm về mặt bằng mới nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh khó vay.
Bà Nguyễn Hải Hà - Giám đốc Công ty May Hải An cho hay, đang phải cố gắng duy trì hoạt động dù đơn hàng giảm, làm không có lãi.
“Chúng tôi vẫn cần thêm tiền để trả lương công nhân. Tôi kiến nghị ngân hàng nên có cách đảo nợ, nâng hạn mức cho doanh nghiệp dệt may, hiện muốn vay mới phải chứng minh kế hoạch kinh doanh và tài sản thế chấp. Với các yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được", bà Hà kiến nghị.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH MTV My Mai Lê Trúc My cho biết, một trong những khó khăn cụ thể chính là việc doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay để tái thiết hoạt động sản xuất cũng như có được một nguồn vốn ổn định “sức khỏe của bản thân doanh nghiệp”.
“Lãi suất tuy có giảm, nhưng nhìn chung là khó tiếp cận hơn. Do vậy, khá nhiều đơn vị có quyết tâm phục hồi nhưng lực bất tòng tâm. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay cũng hạn chế chi tiêu nên việc kinh doanh các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước cũng sẽ giảm theo”, bà My chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện Công ty CP Lữ hành Vietluxtour, cho biết: “Để vay vốn mở rộng kinh doanh thì ngân hàng luôn yêu cầu có tài sản thế chấp. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp lữ hành hoạt động kinh doanh uy tín và có lãi. Để hạn chế rủi ro cho ngân hàng khi cho vay tín chấp, doanh nghiệp sẵn sàng điều chuyển dòng tiền về cho ngân hàng”.
Để giúp doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, đưa tiền vào sản xuất thì quan trọng nhất cần khôi phục thị trường bằng chính sách kích cầu giảm thuế, phí... Dù đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, nhưng muốn kích cầu sức mua để nền kinh tế phát triển, cần giảm xuống 5%. Hiện nay còn có nhiều vướng mắc về thể chế, luật pháp đang cản trở một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, cần những quyết sách mạnh mẽ để tháo nút thắt, điểm nghẽn về vấn đề này.
Lãnh đạo ngân hàng trong nhóm Big 4 chia sẻ, hiện ngân hàng cũng gặp khó trong tìm doanh nghiệp để cho vay vốn. Ngân hàng huy động vào mà không cho vay được cũng "chết". Tín dụng tăng chậm, bản thân ngành ngân hàng rất sốt ruột. Tuy vậy, các tổ chức tín dụng cũng không thể vì thế mà hạ chuẩn cho vay, bởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, rủi ro nợ xấu.
Các chuyên gia nhận định, bài toán nan giải hiện nay là làm sao cho dòng vốn tín dụng chảy vào đúng lĩnh vực sản xuất ưu tiên, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Hạ lãi suất thì tốt nhưng quan trọng hơn là đưa vốn. Chắc gì dòng vốn rẻ đã vào được các doanh nghiệp sản xuất như Nhà nước mong muốn để kích thích tăng trưởng kinh tế mà nó lại chạy vào đầu tư tài chính hay đầu cơ bất động sản. Trong quá khứ, rất nhiều lần như vậy rồi. Nên quản lý dòng vốn, mục đích sử dụng vốn là rất quan trọng”, TS Đinh Thế Hiển lo ngại.
Đào Vũ (T/h)