Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bảo đảm được nguồn cung trong mọi tình huống. Qua đó, ngành chức năng có kế hoạch nguồn hàng phù hợp, sắp xếp quản trị doanh nghiệp hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, hàng năm sẽ có hai đợt rà soát lại các yếu tố làm thay đổi cơ cấu giá xăng vào đầu và giữa năm. Trên cơ sở rà soát đó, doanh nghiệp sẽ có kiến nghị đối với cơ quan quản lý.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản về điều chỉnh định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cũng đã có công văn phúc đáp lại nội dung này. Cụ thể, trong văn bản ngày 10/7/2022 gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả tổng hợp báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho thấy khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, khoản premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng tăng so với định mức hiện hành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
“Tuy nhiên, để hạn chế tác động tăng giá, chia sẻ khó khăn giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, trước mắt không điều chỉnh tăng khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu”, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công thương tại công văn 384/BCT-TTNT ngày 8/7/2022, Bộ Tài chính đã tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đối với xăng nền phối trộn xăng E5RON92 lên 350 đồng/lít (tăng 60 đồng); Xăng RON95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); Dầu điezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); Dầu hoả lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); Dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng).
Trong văn bản này, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn xăng dầu có mức giá tốt, tiết giảm chi phí.