Sáng 22/8, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội, đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế, cũng như lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn nhằm thảo luận các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo Sở Y tế TP. Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân, với đầy đủ các hình thức tổ chức hành nghề từ đa khoa đến chuyên khoa.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khánh Linh
Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, bệnh viện là nơi khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Bệnh viện cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu.
Từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Vì vậy, bệnh viện cần được quan tâm hàng đầu trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Kết quả công tác kiểm tra của các bệnh viện, tính đến thời điểm hiện nay đã kiểm tra độ an toàn của 46/80 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 30/41 bệnh viện công lập, 16/39 bệnh viện tư nhân. Kết quả, có 36/46 bệnh viện an toàn, 7/46 bệnh viện an toàn ở mức thấp. Bệnh viện Vinmec đạt mức an toàn với số điểm cao nhất là 92,66%. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đặt bệnh viện an toàn ở mức điểm cao thứ hai - tổng điểm là 87,3%.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3/46 bệnh viện không an toàn, chủ yếu là các nhóm bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập. Cả ba bệnh viện này đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly.
Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục và báo cáo Sở Y tế; đồng thời, cảnh báo, nhắc nhở các bệnh viện an toàn ở mức thấp, đề nghị xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại và tổ chức rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Song, bệnh viện cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh phát tán trong nơi này, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng.
Vì vậy, ông Ngô Văn Quý đề nghị thời gian tới, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Ban chỉ đạo quốc gia, công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của TP. Hà Nội. Các bệnh viện thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng phương án khi có trường hợp dương tính xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị; tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ; chuẩn bị phòng cách ly, phòng sàng lọc, khu vực cách ly cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cần có sơ đồ, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, trong đó có biển báo hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và cách ly các ca nghi ngờ.
Ngoài ra, cần có các quy định cụ thể để người khám bệnh, người nhà hiểu biết được cần phải làm gì trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay, cũng như có các quy định cho y bác sĩ, quy định nội bộ trong bệnh viện.
“Đặc biệt, các bệnh viện cần làm ngay công tác tự đánh giá mức độ an toàn trong bệnh viện. Đối với các trường hợp đã được đánh giá rồi nhưng vẫn còn ở mức an toàn thấp thì phải có các biện pháp để nâng cao mức độ an toàn" - ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.../.