Donacoop có mục đích gì khi đưa thông tin nhập vắc-xin gây “nhiễu loạn”?

Cần xem xét việc công ty Donacoop thông tin nhập 15 triệu liều Pfizer giữa lúc nhân dân cả nước đang “đỏ mắt” chờ vắc-xin có phải chiêu trò PR không vì thông tin này liên quan tính mạng con người, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ

Giữa lúc cả nước đang “căng mình” chống dịch Covid-19, “cơn khát” vắc-xin cũng đang hiện hữu từng ngày, liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) đã đưa ra thông tin chuẩn bị nhập về 15 triệu liều Pfizer trong đầu tháng 9 khiến nhiều người “mừng hụt”.

Vào giữa tháng 6 vừa qua, Donacoop trở thành doanh nghiệp “hót” khi khẳng định đang đàm phán được với các hãng dược nhập vắc-xin. Thế nhưng, không chỉ tung tin với báo chí, Donacoop còn tiến hành các thủ tục đề xuất đến các cơ quan quản lý.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ công ty Donacoop nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, công ty Donacoop cho hay đã đàm phán với hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất về giá mua. Cụ thể, Donacoop đặt mua 15 triệu liều vắc-xin Pfizer và bên bán cam kết giao làm 2 đợt, chậm nhất là giữa tháng 9/2021.

Ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer.i

Việc Chính phủ ủng hộ doanh nghiệp nhập vắc-xin là rất đúng đắn, vì ngay từ khi dịch bệnh hoành hành, Trung ương đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Cá nhân Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần đàm phán, liên hệ với lãnh đạo nhiều nước để có nguồn vắc-xin về Việt Nam sớm nhất, giúp đất nước sớm vượt qua đại dịch.

Nhưng khi phía Pfizer công khai phủ nhận giao dịch mà Donacoop công bố trước đó, thì dư luận mới “ngã ngửa”. Cho đến nay, đã sắp đến hạn nhập vắc-xin theo công bố trước đó, nhưng công ty Donacoop vẫn “bặt vô âm tín” và xử lý vấn đề này thế nào, công khai thông tin chưa được thực hiện.

vac-xin-pfizer-1623539639-1630514258.jpg
Thông tin một doanh nghiệp chuẩn bị nhập về 15 triệu liều Pfizer trong đầu tháng 9 khiến nhiều người “mừng hụt”.

Trước vấn đề trên, bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) bày tỏ: “Trước hết, tôi cho rằng, Donacoop cần chịu trách nhiệm về thông tin phát ra. Trong khi đại diện Pfizer Việt Nam khẳng định, họ chưa bao giờ làm việc với Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam, vậy thông tin “nhập về 15 triệu liều Pfizer” cần kiểm chứng lại. Giữa lúc nhân dân cả nước đang rất cần và mong mỏi vắc-xin, lại thông tin như vậy, mục đích để làm gì?

Thông tin này có thể nói là gây “nhiễu loạn” trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam. Thậm chí, nếu chính quyền tin vào điều đó, có thể lại trông đợi vào nguồn vắc-xin này mà khiến tốc độ nhập vắc-xin khác lại chậm, trong khi cả nước đang cần, thì rất có thể sẽ nguy hại đến tính mạng của nhân dân. Chưa kể, thông tin trên cũng khiến người dân rất hy vọng, ngay cả người dân ở Đồng Nai lại càng hy vọng hơn, mong chờ có vắc-xin…”.

"Hiện nay, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, tại sao Donacoop lại tung thông tin đó ra? Mục đích là gì? Cần soi vào quy định pháp luật hiện hành để xem có vi luật hay không? Tôi thấy cần phải giải đáp được những câu hỏi ấy để làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp nếu có sai phạm”, bà An nhấn mạnh.

“Trong lúc nhân dân cả nước đang “gồng mình” lên để chống dịch như chống giặc, trong lúc đội ngũ y bác sĩ giành giật từng phút để cứu hàng trăm nghìn người… lại đưa thông tin “lập lờ” như vậy, nếu không tỉnh táo, có thể sẽ đặt vấn đề với nguồn vắc-xin khác chậm lại, thì sẽ cực kỳ nguy hiểm!”, bà An nói thêm.

65186758-2070375473091058-7488295714166931456-n-1630514258.jpg
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, đây là biểu hiện của sự lừa đảo.

Được biết, trước thông tin Donacoop nhập 15 triệu liều vắc-xin, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh thậm chí đã triển khai “đăng ký” để đặt chỗ tiêm cho công nhân và người thân. Cụ thể, một số doanh nghiệp lớn ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh thông tin với báo chí, cách đây hơn 1 tháng, đại diện của Donacoop có liên hệ với họ để “đặt cọc” giữ chỗ sau khi Donacoop nhập vắc xin Covid-19 về Việt Nam.

Trước thông tin này, bà Bùi Thị An cho rằng: “Đây là biểu hiện của sự lừa đảo! Đặc biệt, sự lừa đảo liên quan tính mạng con người này cần  xử lý thật nghiêm. Bởi vì, Pfizer Việt Nam đã khẳng định: “Quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức Covax để cung cấp vắc-xin cho cấp Chính phủ”. Thông tin rộng rãi mà doanh nghiệp Donacoop lại có động thái như vậy, sẽ gây hậu họa vô cùng nguy hiểm. Tưởng tượng, các doanh nghiệp khác yên tâm “đăng ký” để đặt chỗ tiêm cho công nhân và người thân, mà không đi tìm nguồn vắc-xin khác, thì cứ chờ đợi đến khi nào?”

Có phải chiêu trò để “đánh bóng” tên tuổi?

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguồn cung vắc-xin trên thế giới hạn chế, số lượng vắc-xin tại Việt Nam vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cho nhiều đối tượng. Do đó, nhằm đảm bảo kịp thời nguồn vắc-xin phục vụ nhu cầu cấp bách thì bộ Y tế đã cấp phép cho một số doanh nghiệp, tổ chức được nhập khẩu vắc-xin Covid-19 theo quy định.

“Việc cấp phép này nhằm tăng khả năng nguồn cung vắc-xin, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp nào có mối liên hệ, có thể nhập khẩu được vắc-xin phòng Covid-19 trong thời điểm này, Chính phủ rất hoan nghênh, phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam”, vị luật sư nhận định.

ls-dvc-1630514402.jpg
Theo luật sư Đặng Văn Cường, cần làm rõ doanh nghiệp này có thông tin, có mối liên hệ từ trước tuy nhiên sau đó giao dịch không thành công hay doanh nghiệp này đưa ra thông tin không đúng sự thật để “đánh bóng” tên tuổi?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ, để nhập khẩu vắc-xin phòng bệnh Covid-19, doanh nghiệp phải được bộ Y tế cấp phép theo quy định.

Tuy nhiên, trong danh sách 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin (bao gồm cả vắc-xin Covid-19) của bộ Y tế cũng không có tên Donacoop. Đồng thời, đại diện Pfizer cho biết, trong giai đoạn đại dịch hiện nay, hãng chỉ cung cấp vắc-xin Covid-19 Pfizer-BioNTech cho các Chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu.

Trường hợp Chính phủ cho phép và doanh nghiệp này nhập được vắc-xin về đáp ứng nhu cầu trong nước thì đó là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp này không thể nhập khẩu được vắc-xin như đã đề nghị, cam kết, ảnh hưởng đến kế hoạch, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

Vị luật sư chỉ ra: “Như vậy, cần làm rõ doanh nghiệp này có thông tin, có mối liên hệ từ trước tuy nhiên sau đó giao dịch không thành công hay doanh nghiệp này đưa ra thông tin không đúng sự thật để “đánh bóng” tên tuổi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng?

Nếu doanh nghiệp này đưa ra thông tin không đúng sự thật để “đánh bóng” tên tuổi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, thì cần xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

"Không thể chấp nhận được”

Liên quan đến câu chuyện “tung tin ảo” về nhập vắc-xin Pfizer, Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chỉ ra: “Vắc-xin là một mặt hàng đặc biệt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19 hiện nay. Phía Pfizer cũng đã khẳng định rõ, chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ các nước và tổ chức Covax để cũng cấp vắc-xin, vậy chắc chắn không thể có chuyện vắc-xin trực tiếp đến tay các doanh nghiệp. 

Chính vì vậy, bất kỳ hành vi nào đi ngược lại với chủ trương ấy, đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân đang mong mỏi vắc-xin, lại có doanh nghiệp đưa thông tin nhập vắc-xin về, thậm chí, “mời” các doanh nghiệp đăng ký “đặt cọc” giữ chỗ là điều không thể chấp nhận. Những hành động ấy sẽ có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả chống dịch của cả một hệ thống.

Bên cạnh việc phải xử lý nghiêm, đảm bảo tính chất răn đe, để không còn tái diễn tình trạng trục lợi khi dịch bệnh, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng lòng với công tác chống dịch. Bởi lẽ, chúng ta đã có những chiến lược rất đúng đắn, phù hợp đối với “lá chắn thép” vắc-xin, nên cần phải dốc sức bảo vệ thành quả”.

Trên website liên hiệp hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) có thông tin: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: Ông Bùi Thanh Trúc. Mã số thuế: 3600758658. Trụ sở đặt tại: Tòa nhà Donacoop, khu Phước Hải, QL 51A, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai.

Được thành lập ngày 20/10/2005 từ việc liên kết 9 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: HTX dịch vụ nông nghiệp Long Hưng, HTX đóng tàu xà lan Nhơn Trạch, HTX thủ công mỹ nghệ Hố Nai, HTX cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng Phước Tân, HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Nam, HTX thương mại dịch vụ Hưng Phước, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Sơn Tùng, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Thành Công, HTX dịch vụ thương mại Tâm An.

Tuệ Linh