Đồng Nai: Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt?

Trước tình trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc tại Đồng Nai, Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám Đốc phụ trách Sở Y tế.

Thưa ông, trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Đồng Nai, có nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế đột ngột nghỉ việc, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc này?

Theo báo cáo kết quả công tác y tế 6 tháng đầu năm của ngành y tế tỉnh Đồng Nai, tỉnh có 231 y bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Tính cả năm 2021 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có gần 500 y bác sĩ nhân viên y tế nghỉ việc.

Như vậy, nhìn chung hiện nay việc nhân viên của ngành y tế nghỉ việc có nhiều đột biến. Trong thời kỳ dịch bệnh, năm 2021, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc đã có có nhưng không nhiều như hiện nay. Lẽ ra, sau dịch mọi thứ ổn định thì tình trạng nghỉ việc giảm nhẹ, tuy nhiên tại tỉnh Đồng Nai lại tăng đột biến.

Đối thoại - Đồng Nai: Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt?

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Lành).

Tôi cho rằng, việc này có nhiều lý do khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là theo quy luật tự nhiên của toàn ngành cũng như tình hình chung của toàn xã hội, ngành y tế cũng có sự dịch chuyển lao động, chuyển từ nơi thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Đối với ngành y tế Đồng Nai, trước dịch bệnh, việc dịch chuyển này đã diễn ra, nhưng ít hơn hiện nay. Ngành cũng sắp xếp được nhân sự khi số lượng y bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc và xin vào.

Nhưng, tôi cho rằng lý do chính là y bác sĩ, nhân viên y tế phải chịu áp lực công việc quá lớn vì họ vừa làm công tác chuyên môn là khám chữa bệnh vừa phải kiêm thêm nhiệm vụ phòng chống dịch, khối lượng công việc tăng gấp 3 lần trước đó, trong khi thu nhập lại quá thấp.

Nguyên nhân cuối cùng là khi dịch bệnh xảy ra, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh đã suy giảm nhiều, trung bình chỉ 40%. Nguồn thu dịch vụ không có, cộng thêm nhiều tồn tại, không có nguồn thu từ bệnh nhân.

Hiện nay, ngành y tế Đồng Nai đang gặp những có những khó khăn nhất định, không thể giải quyết được, đòi hỏi cấp trên phải có sự can thiệp kịp thời.

Đối thoại - Đồng Nai: Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt? (Hình 2).

Nhân viên y tế lẫy mẫu cho bệnh nhân (Ảnh: CDC Đồng Nai).

Những khó khăn đó là gì thưa ông?

Lực lượng nhân sự nghỉ việc là những y bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm, tay nghề và nghiệp vụ cao, ngành y tế rất cần họ. Họ quyết nghỉ việc để ra y tế tư nhân làm việc, vì ở đó, lương trung bình cao hơn các cơ sở y tế công lập từ 3-5 lần, áp lực thấp, không tăng ca, không làm đêm. Đồng thời, chịu trách nhiệm trong phòng chống dịch không nặng nề như tại các cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, nếu tuyển những nhân sự mới là những người trẻ, dù họ thật sự năng động nhưng do còn trẻ, thiếu chuyên môn, chưa có chứng chỉ hành nghề, sẽ phải mất công đào tạo trong một thời gian dài.

Khó khăn tiếp theo là chế độ lương, phụ cấp cho y bác sĩ, nhân viên y tế các cơ sở y tế công lập thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Lương của y, bác sĩ, nhân viên y tế mới ra trường không bằng công nhân. Thậm chí, nếu tính lương điều dưỡng mới ra trường thì chỉ bằng một nửa so với công nhân làm đêm.

Không chỉ bác sĩ mà đội ngũ điều dưỡng cũng nghỉ việc. Các đơn vị không thể tuyển thêm điều dưỡng, vì các em mới ra trường không chọn ngành y để hành nghề nữa. Hiện, tại các trường cao đẳng y tế, số lượng sinh viên cho ngành điều dưỡng chỉ đáp ứng 1/3 nhân sự cho các cơ sở y tế công lập, vì chế độ tiền lương phụ cấp quá thấp.

Nhiều em học ra làm công nhân. Theo tính toán sơ bộ, hiện nay, lương của một công nhân trung bình đã là 10-12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương của điều dưỡng mới ra trường chỉ có 4-5 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó, họ không đủ trang trải cuộc sống.

Một vấn đề khác hết sức nan giản trong việc hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc tại Đồng Nai đó là, sau khi những nhân sự nghỉ việc chuyển ra tư nhân làm, những người còn lại gồng gánh công việc những người đã nghỉ. Công việc căng thẳng hơn, thu nhập thấp, từ đó ảnh hưởng tâm lý của anh em ở lại.

Đối thoại - Đồng Nai: Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt? (Hình 3).

Cảnh người dân đến chen chúc tiêm vắc-xin tại một phường ở Đồng Nai. (Ảnh: CDC Đồng Nai).

Với cương vị là lãnh đạo ngành y tế tại Đồng Nai, ông có những kiến nghị gì để khắc phụ tình trạng này?

Tôi cho rằng, với thu nhập như hiện nay, để giữ chân những bác sĩ chuyên môn giỏi, nhân viên y tế kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập không dễ dàng, phải tìm cách nâng cao thu nhập cho họ, nhất là những bệnh viện tuyến huyện, tuyến y tế cơ sở tại phường, xã.

Tôi đề nghị Trung ương và UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ, nâng cao thu nhập của nhân viên y tế, tiếp tục bổ sung nguồn lực đầu tư cho y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bổ sung kinh phí trong phòng chống dịch, khẩn trương xây dựng trình Quốc hội thông qua các chính sách, phương án hỗ trợ thu hút nhân lực y tế làm việc các cơ sở công lập, y tế cơ sở, xây dựng quy định về mua sắm, đấu thầu y tế…

Hơn nữa, phải đầu tư mới trang thiết bị y tế. Vấn đề này, trước hết, các bệnh viện phải có sự phát triển nội lực, trong thời kỳ dịch bệnh vừa đi qua, các đơn vị biết cân đối để cầm cự và phát triển hơn nữa nhằm mục tiêu trở lại phát triển bình thường. Phải áp dụng những giải pháp như xây dựng các chính sách hỗ trợ trước mắt, cấp bách cho các y bác sĩ để bảo đảm cuộc sống của họ, hỗ trợ cầm cự qua khó khăn.

Về lâu dài cũng phải có những giải pháp như cải cách chế độ tiền lương, chế độ ưu đãi nghề với nhân viên y tế. Bản thân tôi cũng như anh em ngành y cũng mong muốn những thay đổi đó thật sự có hiệu quả. Làm sao mức sống của anh em phù hợp với mặt bằng chung của xã hội và làm sao để cải cách có tính thiết thực chứ không phải hình thức, khẩu hiệu?

Về mặt pháp luật, trong quy định mua sắm y tế, ông có kiến nghị gì thêm nhằm hạn chế những người đứng đầu tại các cơ sở y tế nghỉ việc vì sợ sai phạm?

Tôi cho rằng, hiện nay, với tâm lý e ngại, sợ sai nhiều nhân sự chủ chốt không muốn đảm nhiệm vị trí. Việc này, ngành y tế, Chính phủ đã có hướng dẫn nhưng cần chặt chẽ hơn thống nhất hơn để việc mua sắm dễ dàng hơn, tránh tâm lý sợ sai cho các nhân sự là lãnh đạo đơn vị.

Ví dụ, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, qua đấu thầu xong, sau đó bệnh viện mua thuốc một đồng, bán cho bệnh nhân thông qua gián tiếp hoặc trực tiếp vẫn một đồng.

Quá trình đấu thầu tốn bao nhiêu chi phí nhân công, kho bãi nhưng cuối cùng không có lời. Nhưng, chỉ cần sơ suất một bước là người đứng đầu bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm.

Đối thoại - Đồng Nai: Vì sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt? (Hình 4).

Lãnh đạo CDC Đồng Nai hướng dẫn bà con tiêm vắc-xin.

Một vấn đề nữa là giá viện phí hiện chưa được các bệnh viện tính đúng, tính đủ. Rất nhiều chi phí trong khám chữa bệnh mà chúng ta chưa tính đúng, các bệnh viện sắp tới tự chủ sẽ khó khăn hơn nhiều đề phát triển bệnh viện.

Trước đây, y tế tư nhân đòi công bằng với y tế côngg lập, nhưng nay y tế công lập mong muốn công bằng với y tế tư nhân. Vì thứ nhất, y tế tư nhân bây giờ tự chủ cả nhân sự, chi phí khám chữa bệnh.

Cùng một quy chế khám chữa bệnh nhưng y tế công lập gò bó quá nhiều về tổ chức, cần quá nhiều bộ phận liên quan, bộ phận hỗ trợ, trong khi người trực tiếp làm chuyên môn chiếm tỉ lệ không cao trong khám chữa bệnh, bộ máy thật sự chưa khoa học và hiệu quả.

Cần giảm bớt một số bộ phận trung gian trong việc không trực tiếp khám chữa bệnh. Ví dụ, Sở Y tế đấu thầu mua sắm tập trung, giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện nhiều hơn để họ tập trung chuyên môn.

Cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến xã, phường. Hiện nay, y tế cơ sở không phát triển, thiếu nhân lực. Gần như không có bác sĩ về tuyến xã. Nhân viên y tế áp lực vừa phòng bệnh vừa chữa bệnh. Gói khám chữa bệnh y tế cơ sở đã được đưa ra nhưng không đáp ứng được cho người dân.

Cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!