Ngày 23 tháng 10 năm 2024, Đức và Vương quốc Anh đã ký một thỏa thuận chiến lược có tên là Thỏa thuận Trinity House. Một điều gây chú ý của thoả thuận này là quyết định trang bị hệ thống tên lửa hiện đại cho các trực thăng Sea King (Vua biển) mà Đức đã cung cấp cho Ukraine. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng tấn công của nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Sáng kiến này bắt nguồn từ tháng 1 năm 2024 khi Đức cam kết chuyển giao 6 trực thăng Sea King Mk41 cho Kyiv. Ban đầu, những chiếc trực thăng này chủ yếu dùng cho nhiệm vụ vận chuyển và tìm kiếm cứu nạn, được trang bị các thiết bị chuyên dụng như tời và móc chở hàng. Và giờ đây, không chỉ dừng lại ở lời hứa ban đầu, Đức và Anh hiện đang hợp tác để trang bị tên lửa hiện đại cho những chiếc Sea King này, biến chúng thành nền tảng tấn công.
Với tầm bay hơn 1.500 km, được trang bị hai radar Seaspray 3000 và camera hồng ngoại FLIR, Sea King Mk41 rất phù hợp cho các hoạt động cứu hộ trên biển. Được thiết kế để chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Sea King cũng có thể hạ cánh trên mặt nước nhờ vào cấu trúc đặc biệt của nó. Ngoài các nhiệm vụ cứu hộ, trực thăng này cũng được sử dụng để vận chuyển người, hàng hóa và có thể được trang bị súng máy hạng nặng để thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực nguy hiểm.
Về mặt kỹ thuật, Sea King Mk41 có chiều dài 22,1 m với đường kính cánh quạt 18,9 m, tốc độ tối đa 252 km/h nhờ hai động cơ có tổng công suất 3.400 mã lực. Nó có thể hoạt động ở độ cao lên đến 3.800 m và vận chuyển tối đa 20 hành khách (chưa bao gồm phi hành đoàn từ 3 đến 4 người).
Ban đầu, Ukraine chỉ yêu cầu các bộ phận thay thế cho ba trực thăng Sea King đã được Vương quốc Anh cung cấp. Đáp lại, Đức không chỉ đồng ý hỗ trợ phụ tùng mà còn cam kết cung cấp thêm trực thăng.
Hiện tại, các chi tiết cụ thể về loại tên lửa sẽ được trang bị cho Sea King của Ukraine chưa được tiết lộ, nhưng sự hợp tác giữa Berlin và London nhấn mạnh cam kết của họ trong việc tăng cường đáng kể khả năng quân sự của Ukraine. Cho đến nay, các trực thăng Sea King chủ yếu được sử dụng bởi các hải quân châu Âu cho các nhiệm vụ phi chiến đấu, nhưng việc cải tiến này đánh dấu sự thay đổi trong vai trò truyền thống của chúng. Việc bổ sung hệ thống tên lửa sẽ cho phép những trực thăng này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự chống lại lực lượng Nga, đặc biệt các nhiệm vụ tấn công chính xác và hỗ trợ không chiến cự ly gần.
Vẫn chưa rõ liệu Đức và Anh có trực tiếp cung cấp các tên lửa này hay chỉ giới hạn vai trò của họ ở việc hỗ trợ kỹ thuật. Các tuyên bố chính thức từ cả hai chính phủ cho thấy sự hợp tác nhằm "tạo điều kiện" cho việc vũ trang các trực thăng, mặc dù cách diễn đạt trong các thông cáo có thể gây ra một số sự mơ hồ. Dù vậy, thỏa thuận này tượng trưng cho một giai đoạn mới của sự hỗ trợ từ phương Tây dành cho Ukraine, khi cả hai quốc gia tái khẳng định cam kết cung cấp thêm các khả năng tấn công giữa lúc cuộc xung đột kéo dài.
Thỏa thuận này là một phần của sự hợp tác quân sự lớn hơn giữa hai nước. Nó cũng bao gồm các hợp tác khác trong các lĩnh vực như vũ khí thế hệ mới, xe bọc thép và máy bay không người lái trên mặt đất, cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước quan trọng ở Biển Bắc.