Gia đình 6 F0, 2 anh em tình nguyện ở lại chống dịch
Sau chuỗi ngày điều trị cùng cả gia đình, 2 anh em Trần Lê Quang Trường (SN 2000) và Trần Lê Quang Sơn (SN 2002), trú tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã tình nguyện ở lại bệnh viện dã chiến số 4, tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Nhắc đến hành trình vượt qua “những ngày giông bão” của cả gia đình, Quang Trường nhớ lại, từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 trên địa bàn thành phố, ba Trường phải làm việc “3 tại chỗ” ở công ty, cũng do tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều người, nên tháng 7, ông nhiễm bệnh ở nơi làm việc, được đưa đến bệnh viện dã chiến số 4 điều trị.
Trong khi đó, mẹ Trường làm việc ở hội Phụ nữ phương Vĩnh Lộc A, cũng bị nhiễm Covid-19 vào hồi đầu tháng 8, khi tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở địa phương. Cứ như vậy, mẹ lây bệnh cho Trường và 3 thành viên khác trong gia đình. Gia đình có 6 F0, khi ba Trường vừa được xuất viện về nhà tự cách ly thì 5 thành viên lại phải vào bệnh viện dã chiến số 4 điều trị.
Trường kể, vì mẹ và bà ngoại có bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp, chưa tiêm vắc xin nên bệnh chuyển nặng nhanh chỉ sau vài ngày. Mẹ được chuyển sang khu hồi sức của bệnh viện. Bà ngoại bị xuất huyết não trên nền bệnh Covid-19 nên được chuyển đến bệnh viện 115.
“Trước tình trạng nguy cấp của mẹ, các bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện đã dùng mọi cách để cấp cứu cho mẹ. Sau một hồi “vật lộn”, các y bác sĩ ai cũng ướt đầm mồ hôi, nhưng vẫn không ngăn nổi nụ cười trên khóe mắt khi đã thành công giành giật sự sống cho bệnh nhân”, Quang Trường vẫn còn nhớ như in khoảng khắc cảm động ấy.
Cũng vì chứng kiến những hình ảnh đó, mà Trường và em trai đã quyết định xin ở lại bệnh viện dã chiến làm tình nguyện viên để san sẻ công việc với nhân viên y tế tuyến đầu.
Chàng trai bắt đầu nói về quyết định của bản thân: “Thăm dò thấy mẹ có vẻ không đồng ý, tôi đã “nói dối mẹ”, mặc dù đã có xét nghiệm âm tính nhưng tôi vẫn nói với mẹ là còn dương tính, để có thể phụ các bác sĩ chăm sóc các F0 khác. Đến trước khi mẹ được xuất viện một ngày, biết không thể giấu mẹ thêm nữa, nên anh em tôi đã thú thật và ngồi đấu tranh tư tưởng với mẹ nguyên một đêm. Tôi và em trai cùng tìm những tài liệu, bài báo về nguy cơ lây nhiễm sau khi khỏi bệnh, đồng thời, nhờ các y bác sĩ giải thích cho mẹ rằng sau khi khỏi bệnh thì “chỉ số an toàn” cũng cao hơn. Sau cùng, các bác sĩ hứa sẽ giữ sức khỏe cho 2 anh em, mới có thể khiến mẹ xuôi dần. Ngày hôm sau (ngày 6/9), mẹ được xuất viện, lúc mang hành lý ra xe, mẹ cứ ngoái lại nhìn anh em tôi mãi…”.
Thông thường, việc phụ giúp của Trường và các tình nguyện viên khác sẽ bắt đầu sớm hơn các y bác sĩ khoảng 30 phút, để đo SpO2 cho bệnh nhân, sau đó báo cáo lại cho bác sĩ khám và tư vấn, rồi tiếp tục phụ giúp các vấn đề khác cho F0, từ theo dõi tình trạng của người bệnh, giúp bệnh nhân nặng thở oxy, đến hỗ trợ ăn uống, dọn vệ sinh, giặt đồ, rồi động viên tinh thần...
Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, công việc của chàng trai sẽ bắt đầu từ 13h để hỗ trợ bệnh nhân xét nghiệm, hỗ trợ khi có bệnh nhân nhập hoặc xuất viện. Đến tối, thông thường, tình nguyện viên sẽ được nghỉ từ 18h, nhưng cũng có những ngày đang nằm nghỉ, có bệnh nhân chuyển nặng hoặc nhập viện, Trường và đồng đội lại vội khoác đồ bảo hộ để kịp thời hỗ trợ.
Những ngày chăm sóc các F0 lớn tuổi, trở nặng, thậm chí, có người không có người thân bên cạnh, Trần Lê Quang Trường cũng có rất nhiều cảm xúc.
“Có những câu chuyện của F0 khiến tôi phải khóc theo… Tôi nhớ nhất là một bệnh nhân hơn 60 tuổi, ban đầu phải thở oxy qua mask. Buổi chiều, ông còn khỏe mạnh, tôi đút cháo cho ông và dặn ông nằm sấp, vỗ lưng để thở oxy cho đều và ổn định. Vậy mà sau khi hết ca, lúc tôi đã trở về phòng nghỉ, 21h, lại nhận được điện thoại của vợ bệnh nhân cũng là F0, bà cuống lên, nói ông bị co giật, sốt cao, tím tái. Ngay lập tức, tôi cùng bác sĩ mặc đồ bảo hộ di chuyển thật nhanh đến phòng người bệnh. Sau một hồi cấp cứu, tình trạng của ông ổn định hơn, được chuyển sang khu Hồi sức cấp cứu.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, ông ấy mất. Người vợ “sốc” lắm, được xuất viện về nhà nhưng bà cứ khóc mãi. Thấy vậy, tôi cũng không kìm được, mắt cứ ướt nhòa đi trong giây lát…”, chàng trai trẻ tâm sự.
“Bảo mẫu” của những đứa trẻ sơ sinh
Suốt những ngày tình nguyện, Trường luôn cảm nhận được sự ấm áp của cá y bác sĩ và các tình nguyện viên khác, đây giống như một gia đình nhỏ, các thành viên đều quan tâm và san sẻ với nhau.
Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân cũng rất tình cảm, anh cho biết: “Bệnh nhân ở đây cũng thương các y bác sĩ và tình nguyện viên lắm, nhìn thấy chúng tôi làm việc cả ngày, họ không ngừng nói lời cảm ơn, hỏi han đủ thứ. Có người xin số điện thoại để sau này xuất viện vẫn có thể trò chuyện; có người thì cho quá trời bánh luôn; có F0 sau khi bình phục, được xuất viện, còn nhờ người nhà gửi tặng chúng tôi hẳn một con vịt quay... Những tình cảm ấy thực sự khiến tôi rất xúc động, tự nhủ, mình phải làm thật tốt hơn nữa, chăm sóc được nhiều F0 hơn”.
Điều tuyệt vời nhất đối với chàng trai 21 tuổi trong những ngày qua, có lẽ là trải nghiệm được làm “bảo mẫu” cho 2 bé sơ sinh tại bệnh viện dã chiến.
Ngày 8/9, bệnh viện tiếp nhận 2 bé F0 3 và 5 tháng tuổi, bị bỏ rơi ở một bệnh viện tại quận Bình Thạnh. Trường và 2 nữ tình nguyện viên khác được phân công chăm sóc ngay khi các bé vừa được chuyển vào phòng cách ly ở khu nhà A.
“Với cả 3 người đều chưa lập gia đình, đây cũng được xem là một thử thách. Khi mới nhận 2 bé, ai cũng lo không có kinh nghiệm, sợ đêm đến các bé mà quấy khóc hay gắt ngủ thì thực sự không biết phải làm sao… Nhưng khi vừa nhìn thấy 2 gương mặt bụ bẫm, mấy chị em đều “gật đầu” không cần suy nghĩ nhiều. Trông 2 má phúng phính, ai cũng chỉ muốn thơm một cái, và tôi cũng không ngoại lệ.
Và vậy là, chuỗi ngày làm “bảo mẫu” của 3 chị em bắt đầu. May mắn là 2 đứa bé bụ bẫm cứ ăn ngoan, ngủ ngoan, chỉ khóc khi đói hoặc cần thay tã”, anh bộc bạch.
Suốt gần 2 tuần qua, sau những giờ phụ giúp bác sĩ chăm sóc cho F0, Quang Trường lại vội vã đến thăm các bé, “tranh phần” tắm rửa, thay tã, cho các bé ăn sữa.
“Lần đầu tiên tôi biết cách pha sữa bột cho trẻ sơ sinh uống. Mặc dù ở nhà cũng có cháu nhỏ, nhưng tôi chưa từng pha sữa thành công, đến khi vào đây, được sự hướng dẫn của các chị, đồng thời, có sự đáng yêu 2 bé làm động lực, tôi cuối cùng cũng thành thạo. Sau khi no sữa, 2 bé nằm chơi một lát là sẽ tự ngủ ngoan. Chỉ có một bé thỉnh thoảng nũng nịu, đòi bế ẵm một chút, nên tôi thường cho dựa đầu vào vai, đung đưa một lúc là lại ngủ ngon lành.
Đối với tôi, có lẽ, thử thách lớn nhất trong việc chăm sóc 2 bé là ở khâu... thay tã. Lần đầu thử sức, tôi đã thay không đúng cách, nên tự mình “làm khổ” mình, cuống cuồng “bỏ chạy” và phải nhờ các chị giúp sức. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau, tôi đã “bắt nhịp” và không còn sợ gì nữa!
Vậy là từ lúc có 2 bé, tôi đã biết làm thêm rất nhiều chuyện mà trước đó chưa từng thử. Bây giờ thì tất cả đã thành thạo luôn rồi! Đặc biệt là giỡn trò cho 2 bé cười, là sở trường của tôi ”, chàng trai trẻ gãi đầu, chia sẻ về trải nghiệm mới mẻ của bản thân.
Trường cho biết, anh “mê” 2 đứa trẻ đến mức, hễ cầm đến điện thoại là lại muốn ghi lại thật nhiều những khoảnh khắc để khi trở về phòng sẽ ngồi ngắm lại.
Vừa xem lại những bức hình đáng yêu của 2 đứa trẻ, anh vừa tâm sự: “Có những hôm, tôi nằng nặc xin các chị cho ở lại đó, ôm 2 bé ngủ, mà các chị không đồng ý. Cũng có đêm, tôi tan ca muộn, qua thăm 2 bé, nằm ôm bé ngủ rồi mình cũng ngủ quên luôn. Tuy là một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng cứ nhìn thấy 2 bé là tôi lại vui trở lại.
Vừa rồi, 2 bé đã khỏe lại nên được chuyển đến nơi khác, tôi nhớ nhiều lắm! Lúc chia tay, tôi còn đòi bế bé, đi cùng để chăm bé nhưng không được. Ở đây vẫn cần có người hỗ trợ...
Tuy không còn được ôm ấp mỗi ngày, nhưng những ngày qua đã cho tôi cảm giác mình giống như một “ông bố nuôi” vậy. Sau này, khi hết dịch, tôi vẫn muốn được thường xuyên ghé thăm các bé, nhìn các bé lớn lên”.
“Cả gia đình có 6 F0, nhưng tất cả đều đã vượt qua. Với tôi, đó là một may mắn rất lớn! Vậy nên, tôi và em trai sẽ tiếp tục hỗ trợ người bệnh, san sẻ với y bác sĩ, để tạo thêm thật nhiều điều may mắn, lan tỏa đến mọi người. Mong rằng, những ai đang là F0, sẽ cố gắng điều trị thật tốt, những ai vẫn đang khỏe mạnh và chưa phải cách ly, hãy biết tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, những ai nếu bị nhiễm Covid-19 mà đã khỏi bệnh, hoặc những ai đã được tiêm vắc-xin, thì có thể xung phong hỗ trợ “tâm dịch”, san sẻ phần nào với tuyến đầu, để có thêm sức mạnh chiến đấu với đại dịch, để sớm ngày tìm lại bình yên, chúng tôi sớm ngày được về nhà.
Không riêng anh em tôi, mà tôi biết rằng, ai cũng mong sớm được về nhà, nhưng chúng tôi sẽ đồng hành cùng các F0 khác trong bệnh viện cho đến khi tình hình dịch trên địa bàn thành phố được kiểm soát mới trở về”, ánh mắt Trường bỗng rạng rỡ một niềm tin.
(Ảnh: NVCC).