Gan nhiễm mỡ không nên ăn gì? Những thực phẩm càng ăn càng khiến gan nhanh "xơ như mướp"

Nếu hàm lượng chất béo trong gan quá cao có thể là dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ. Thay đổi chế độ ăn uống là phương pháp điều trị đầu tiên cho tình trạng này.

Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Gan là cơ quan lớn nhất bên trong cơ thể bạn. Nó giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn, dự trữ năng lượng và loại bỏ chất độc. Bệnh gan nhiễm mỡ (FLD) là tình trạng chất béo tích tụ trong gan của bạn, được chia thành 2 loại:

- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)

- Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu hay còn gọi là viêm gan nhiễm mỡ do rượu (ALD)

Triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ thường không gây ra triệu chứng. Một số người có thể có các dấu hiệu như mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng, vị trí của gan. Ngoài ra, có một số dấu hiệu có thể xảy ra như sau:

- Cảm thấy mệt mỏi hoặc không khỏe

- Bị đau ở phần trên bên phải của bụng

- Giảm cân không rõ lý do

Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ nghiêm trọng hơn bao gồm:

- Mắt và da vàng

- Bầm tím không rõ lý do

- Nước tiểu đậm

- Bụng sưng tấy

- Nôn ra máu

- Phân đen 

- Ngứa da.

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng rượu quá nhiều. Gan phân hủy hầu hết lượng rượu bạn uống, vì vậy nó có thể được loại bỏ khỏi cơ thể. Nhưng quá trình phân hủy này có thể tạo ra các chất có hại. Những chất này có thể làm hỏng tế bào gan, thúc đẩy tình trạng viêm và làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Càng uống nhiều rượu, gan càng bị tổn hại, chuyển từ gan nhiễm mỡ sang xơ gan và cuối cùng là ung thư gan.

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ có thể bị đau ở phía trên bên phải của bụng, vị trí của gan. (Ảnh minh họa)

Với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu biết rằng nó phổ biến hơn ở những người:

- Mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiền tiểu đường.

- Bị béo phì.

- Ở độ tuổi trung niên trở lên (trẻ em cũng có thể mắc bệnh này).

- Là người gốc Tây Ban Nha, người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha. 

- Có hàm lượng chất béo trong máu cao, chẳng hạn như cholesterol và chất béo trung tính.

- Bị huyết áp cao.

- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid và một số loại thuốc trị ung thư.

- Có một số rối loạn chuyển hóa nhất định, bao gồm hội chứng chuyển hóa.

- Giảm cân nhanh chóng.

- Mắc một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan C.

- Đã tiếp xúc với một số chất độc.

Bị gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?

Tiêu thụ thực phẩm lành mạnh là một cách để kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém đối với những người mắc bệnh này là tránh hoặc hạn chế ăn một số loại thực phẩm khác. Dưới đây là những thực phẩm người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không nên ăn.

1. Đường trắng và đường bổ sung

Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt là NAFLD, nên tránh hoặc hạn chế bổ sung đường. Những thứ này có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu và tăng mỡ trong gan.

Các nhà sản xuất thường thêm đường vào kẹo, kem và đồ uống có đường như nước ngọt và nước trái cây. Đường bổ sung cũng có trong thực phẩm đóng gói, đồ nướng và thậm chí cả cà phê và trà mua tại cửa hàng.

Tránh các loại đường khác, chẳng hạn như đường fructose và xi-rô ngô, cũng có thể giúp giảm thiểu chất béo trong gan.

2. Rượu bia

Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được ở Mỹ. Rượu ảnh hưởng đến gan, góp phần gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và các tình trạng khác, chẳng hạn như xơ gan.

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên cố gắng giảm lượng rượu uống vào hoặc loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống của họ.

3. Ngũ cốc tinh chế

Ngũ cốc đã qua chế biến và tinh chế có trong bánh mì trắng, mì ống trắng và gạo trắng. Các nhà sản xuất loại bỏ chất xơ khỏi những loại ngũ cốc đã qua chế biến này, điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu khi cơ thể phân hủy chúng.

Một một nghiên cứu trên 73 người lớn mắc NAFLD kết luận rằng những người tiêu thụ ít ngũ cốc tinh chế hơn có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa thấp hơn - nhóm yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau.

Mọi người có thể thay thế ngũ cốc tinh chế bằng khoai tây, các loại đậu hoặc các sản phẩm thay thế như lúa mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

4. Thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên hoặc thức ăn mặn

Tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu chất béo, chiên hoặc mặn có khả năng tăng lượng calo nạp vào và có thể dẫn đến mắc bệnh béo phì, một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Thêm gia vị và thảo mộc vào bữa ăn là cách tuyệt vời để tạo hương vị cho món ăn mà không cần thêm muối. Mọi người cũng thường có thể nướng hoặc hấp thức ăn thay vì chiên chúng.

5. Thịt

Một báo cáo đánh giá năm 2019 lưu ý rằng lượng tiêu thụ chất béo bão hòa làm tăng lượng chất béo xung quanh các cơ quan, bao gồm cả gan.

Thịt bò, thịt lợn và thịt nguội đều có nhiều chất béo bão hòa. Do đó, những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên cố gắng tránh những thực phẩm này càng nhiều càng tốt.

Thịt nạc, cá, đậu phụ hoặc tempeh là những món thay thế thích hợp. Tuy nhiên, cá có nhiều dầu tự nhiên có thể là lựa chọn tốt nhất vì nó cũng cung cấp axit béo omega-3.​

MINH THÙY