Gia đình bỗng dưng gánh khoản nợ “trời ơi” sau khi con trai mất

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai vì tai nạn giao thông, gia đình chị T. (Phú Thọ) lại khốn đốn khi bị người lạ đến đòi nợ số tiền mà con chị đã vay mượn trước đó.

Bỗng nhiên bị người lạ đòi nợ

Chị Trần Thị T. (Cẩm Khê, Phú Thọ) vẫn chưa nguôi xót xa khi kể lại câu chuyện buồn về sự ra đi của cậu con trai 21 tuổi của vợ chồng chị. “Năm 2020, con tôi không may gặp tai nạn trên đường đi làm. Cháu được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện nhưng đã không qua khỏi. Tôi suy sụp tưởng chừng không thể vượt qua nỗi đau quá lớn này. Được sự động viên của mọi người nên vợ chồng tôi đã nén nỗi đau để lo hậu sự cho con”, chị T. đau xót nói.

Chị T. kể vợ chồng chị lo hậu sự cho con xong chưa được bao lâu thì có 3 người lạ đến nhà đòi nợ. Họ đưa ảnh chụp chứng minh thư cùng giấy ghi nợ của con trai chị với số tiền gốc là 20 triệu đồng, tổng cộng cả gốc lẫn lãi là 40 triệu đồng. 

“Gia đình tôi thực sự bất ngờ về khoản nợ này. Tôi nhớ có lần con hỏi mượn 2 triệu vì chưa nhận được lương để đem đi trả tiền lãi. Rất buồn về việc vay mượn không rõ ràng của con, nhưng để con ra đi được thanh thản nên chúng tôi đã trả họ số nợ đó”.

image1 10

Chị Trần Thị T. kể lại sự việc

“Đối với một gia đình làm nông ở quê thì số tiền vài chục triệu là rất lớn, nhiều khi phải tích lũy cả năm trời mới có được. Chúng tôi chỉ giận một điều, tại sao con mình lại đi vay tiền của những đối tượng cho vay với lãi cắt cổ như vậy? Đó là những đối tượng ở xã khác, họ dựng nên những cơ sở cầm đồ nhưng bản chất là cho vay nặng lãi”, anh H. (chồng chị T.) bức xúc nói.

Mới đây gia đình anh Nguyễn Thành T. (phường 16, quận 8, TP.HCM) đã phải trải qua nhiều biến cố khi có tám người mất vì Covid-19. Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì gia đình lại liên tục nhận được những cuộc gọi đòi nợ.

Sau khi tìm hiểu thì được biết trước khi mất chị N.T.M.K. (con dâu trong gia đình) đã đi vay nợ của nhiều người, thậm chí còn mang cả sổ hồng mang đi để vay. Thời gian đầu, cách ngày lại có người đến đòi tiền, gia đình anh T. đã phải đi vay mượn nhiều nơi để có tiền trả. 

“Tưởng chuyện đã dừng lại, nhưng ít hôm sau lại có người mang giấy vay nợ tới để đòi tiền (có cả những người đã trả trong đợt đầu). Trong đợt thứ hai này gia đình tôi bắt đầu nhận được những lời đe dọa, khủng bố tinh thần từ phía chủ nợ nên rất hoang mang”, anh T. chia sẻ.

Theo anh T., để giải quyết dứt điểm chuyện này, gia đình anh đã chủ động liên lạc với bên cho vay để giải quyết. Khi này, những giấy vay nợ mà bên cho vay mang đến chỉ có nội dung rất đơn giản như: “Hôm nay, ngày…chị N.T.M.K, số CMND/CCCD có vay của anh D.T.T số tiền 90 triệu đồng với kỳ hạn 3 tháng…”. Họ nói rằng trước đó chị K. chủ động gọi điện tới và có nhu cầu muốn vay tiền nên đã giúp đỡ cho vay.

vay-tien_thoq.jpg

Rất nhiều giấy vay tiền được các chủ nợ mang tới gia đình anh T. trong sáng 5/11. (Ảnh: ĐẶNG LÊ)

“Số tiền tổng cộng trên giấy nợ của đợt 2 là rất lớn, không còn khả năng chi trả nên chúng tôi yêu cầu các chủ nợ giảm một nửa. Nếu đồng ý thì gia đình trả tiền ngay, còn không thì bên kia có thể khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Bởi người vay nợ cũng đã mất rồi và gia đình đã quá mệt mỏi”, anh T. cho biết thêm.

Hậu quả khó lường

Qua vụ việc của gia đình, anh T. mong mọi người không nên vay nóng bên ngoài như trường hợp người nhà anh gặp phải bởi hậu quả sau đó rất khó lường. Anh T. cho biết đã phải thuê luật sư để làm các thủ tục hoàn tất nợ với các bên cho vay. Nếu có bất kỳ khoản nợ nào từ người nhà đã mất nữa, anh không chịu trách nhiệm giải quyết.

Qua tìm hiểu, ngoài việc cho vay nhanh thông qua cầm cố chứng minh thư, giấy tờ tùy thân, nhiều hình thức cho vay thông qua các app hiện nay cũng khiến cho không ít người rơi vào tình trạng nợ chồng nợ. Một số app cho vay tiền do các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” núp bóng với lãi suất cao nên người dân cần phải cảnh giác khi vay tiền qua những ứng dụng này.

Trao đổi với PV, Luật sư Vũ Văn Biên, Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương cảnh báo: Người dân nên cảnh giác khi vay tiền ở những nơi có thủ tục quá đơn giản. Bởi lẽ, khi cho một người lạ vay một khoản tiền cả trăm triệu đồng mà thủ tục chỉ cần CMND/CCCD, sổ hộ khẩu mà không cần cầm cố hay thế chấp tài sản thì những khoản vay này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mục đích cho vay mà chỉ cần CMND/CCCD, sổ hộ khẩu là để người cho vay biết được địa chỉ nhà, thông tin về nơi ở, thông tin người thân (có trong hộ khẩu) để tìm tới trong trường hợp không trả được nợ. 

Luật sư Biên cũng khuyến cáo: “Nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng được pháp luật cho phép để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay. Đồng thời khi phát hiện những app cho vay tiền với lãi suất cao, người dân cần liên hệ đến cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tránh hệ lụy khi vay tiền qua app hoặc qua các đối tượng ‘tín dụng đen’”.

Theo Người Đưa Tin