Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu đạt 46.618 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 52%, đạt 4.154 tỷ đồng.
Chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm 15% xuống còn 174 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm đến 85%, gần 148 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn tăng 35%, đạt 1.514 tỷ đồng. Xét theo quý, đây là mức lãi cao nhất kể từ quý IV/2016 mà doanh nghiệp này đạt được.
Theo giải trình từ phía lãnh đạo tập đoàn, trong quý II/2021, giá dầu thế giới (WTI) có xu hướng tăng từ 58,65 USD/thùng tại thời điểm đầu quý lên 73,47 USD/thùng vào thời điểm cuối quý (tương ứng tăng 25,2%).
Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng, thay vì giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc nên hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ 2020.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 84.886 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 2.741 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 920 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, tập đoàn lãi ròng ở mức 2.250 tỷ đồng.
Năm 2021, ông lớn ngành xăng dầu này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 135.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9% và 140% so với kế hoạch thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau nửa đầu năm 2021, Petrolimex đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ra, Petrolimex còn đề ra chỉ tiêu sản lượng 12,2 triệu m3, tấn, giảm 1,4% so với thực hiện 2020. Mức chia cổ tức tối thiểu 12%.
Dù lợi nhuận cải thiện, dòng tiền trong 6 tháng đầu năm của Petrolimex lại âm nặng. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 2.166 tỷ đồng, trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái dương 2.900 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp gia tăng tồn kho và khoản phải thu trong kỳ.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Petrolimex đạt 68.380 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho gần 12.500 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn 11.528 tỷ, chiếm 16,9%.
Petrolimex cho biết trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án LNG - Mỹ Giang và tập trung nghiên cứu các cơ hội đầu tư, các dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng mới thông qua việc hợp tác với ENEOS và các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới.
Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục triển khai việc tái cấu trúc các tổng công ty/đơn vị thành viên của tập đoàn. Hoàn thành việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng tại PG Bank, triển khai phương án giảm tỷ lệ vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm tại PJICO. Rà soát, tiếp tục thực hiện việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành.
Giai đoạn 2021 - 2026, Petrolimex cho biết sẽ tiếp tục duy trì vị thế là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối xăng dầu tại Việt Nam với thị phần nắm giữ khoảng 45 - 50%.
Theo dữ liệu của bộ Công Thương, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các nước Mỹ, châu Âu đang dần được kiểm soát, kinh tế tại nhiều nước bắt đầu phục hồi cùng với các gói kích thích kinh tế, làm tăng nguồn cung đã đẩy giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua.
Tại thị trường trong nước, giá xăng liên tục tăng trong các lần điều chỉnh giá. Giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 ghi nhận trung bình 83,07 USD một thùng; xăng RON 95 là 85,16 USD một thùng.
Tại kỳ điều hành giá xăng ngày 12/7, liên bộ Tài chính - Công Thương tăng giá các mặt hàng xăng, cao nhất kể từ ngày 2/5/2019. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 22/7, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ.
Nguyễn Thu Huyền - Người Đưa Tin Pháp Luật