Giáo viên rời công sang tư: Bình thường hay không bình thường?

Trái ngược với quan điểm của đại biểu Trường Giang về việc giáo viên rời công sang tư là bình thường, đại biểu Mai Hoa đã nêu quan điểm của mình.

Chiều 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát biểu tranh luận về thực trạng và nguyên nhân giáo viên nghỉ việc thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nhìn nhận về thực trạng giáo viên nghỉ việc có phải chỉ có chuyển giáo viên từ khu vực công lập ra khu vực tư hay không?

Đại biểu Mai Hoa đưa ra số liệu trong giai đoạn 2021-2022 đến tháng 8/2022 do Cục Nhà giáo cung cấp, trong tổng số 16.265 giáo viên nghỉ việc thì số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, còn ngoài công lập nghỉ việc là hơn 5.000 người. Nếu phân theo cấp học, mầm non là 6.391 giáo viên nghỉ (trong đó công lập là 2.503, ngoài công lập hơn 3.000 giáo viên).

Qua nghiên cứu, tập hợp của Cục Nhà giáo cho thấy 16.265 giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành giáo dục, họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục. Theo đánh giá của cơ quan khảo sát, giám sát trong thời điểm này giáo viên từ trường công chuyển sang trường tư đang rất ít.

“Đây là một hiện tượng không bình thường, không chỉ là vấn đề có một bộ phận cán bộ công chức nghỉ việc mà đây là vấn đề nghỉ quá lớn số lượng, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần rất nhiều giáo viên, nhưng số lượng nghỉ rất nhiều”, đại biểu Mai Hoa nêu.

Tiêu điểm - Giáo viên rời công sang tư: Bình thường hay không bình thường?    ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng giáo viên nghỉ việc là một hiện tượng không bình thường.

Theo đại biểu, số lượng giáo viên nghỉ không phải là số lượng chung của cả nước, chủ yếu đang tập trung vào các tỉnh tại địa bàn khu đô thị, khu đông dân cư.

Nguyên nhân nhiều đại biểu cũng đã nói có nguyên nhân về lương, về áp lực công việc, có cả một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có một bộ phận giáo viên phản ánh là họ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp thì họ không đủ tự tin đứng lớp.

Vì thế, đại biểu đồng tình với đại biểu Nguyễn Trường Giang là cần phải có đánh giá kỹ, nhưng vấn đề lương, điều kiện, môi trường làm việc là điều cần phải phân tích.

Đại biểu Mai Hoa cũng đề nghị ngành giáo dục cần phải quan tâm thêm việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cần rất nhiều. Nên, cần tham mưu cho Chính phủ để có ý kiến với Quốc hội để giải quyết ngay vấn đề thiếu giáo viên.

Tiêu điểm - Giáo viên rời công sang tư: Bình thường hay không bình thường? (Hình 2).                                                      ĐBQH Nguyễn Trường Giang tranh luận.

Trước đó, phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước). Trong 2,5 năm qua có hơn 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

"Sơ bộ tôi tính toán với 14.427 người/tổng số 1,2 triệu giáo viên trong khu vực công (chiếm khoảng 1,2% trong 2,5 năm. Như vậy, mỗi một năm số lượng giáo viên rời khu vực công khoảng 0,5%. Tức là 200 giáo viên sẽ có một người rời khu vực công", đại biểu phân tích.

Vấn đề đặt ra đó là, chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục, nên theo đại biểu Trường Giang, tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường.

"Điều quan trọng nhất phải đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không? Việc giáo viên rời từ khu vực công sang khu vực tư đều là phục vụ cho nhân dân và phù hợp với chủ trương của Đảng”, đại biểu Trường Giang chia sẻ. 

Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có giải pháp phù hợp.