Gỡ khó để doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Dù mong muốn gia nhập các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc và rào cản, dẫn đến sự chần chừ và khó khăn để bắt đầu.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đạt hơn 80 ngàn tỷ đồng. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận tới các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ, đã phát triển mang tầm quốc tế như Amazon, Walmart, Alibaba,… vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Một số rào cản chính có thể kể đến như:

Thứ nhất, là rào cản về quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải nắm bắt được những quy định của từng thị trường và quy định với những loại hàng hoá khác nhau. Đồng thời, tuân thủ đúng hành lang pháp lý khi kinh doanh trên môi trường quốc tế.

Thứ hai, là rào cản về năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng định hướng và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Thứ ba, là rào cản về chi phí để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh các chi phí sản xuất, phân phối thông thường còn có các chi phí về marketing, chi phí vận tải, chi phí lưu kho… Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có nguồn lực mạnh và đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới, có thể tối ưu các chi phí này. Đối với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nên có tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Thứ tư, là rào cản về vấn đề logistics. Doanh nghiệp cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, phương án bảo quản hàng hoá hiệu quả, tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, vươn ra thị trương quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản.

Có thể kể đến Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cho DN đến các giải pháp hỗ trợ cho DN chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn TMĐT hoặc những chương trình TMĐT thường niên để kích cầu thị trường, để mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT.

Nghị định 80/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể đối với DN trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng TMĐT lớn. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng TMĐT trong nước và quốc tế.

Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án thúc đẩy DN tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu, trong đó coi hỗ trợ DN tham gia bán hàng TMĐT xuyên biên giới mà một giải pháp cốt lõi.

Nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản đang gặp phải, hướng tới mục tiêu doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu thành công qua nền tảng TMĐT, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cũng đã có một số hoạt động nghiên cứu và hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành cùng đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới - Go Export.

Điểm khác biệt của Chương trình là sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ chuyên môn trong dài hạn, giúp doanh nghiệp tối ưu hoá các chi phí, đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Gỡ khó để doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới

8 nhóm giải pháp toàn diện của Go Export hỗ trợ DN xuất khẩu qua TMĐT. (Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số)

Cụ thể, Go Export hỗ trợ doanh nghiệp với 8 nhóm giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp tháo gỡ tất cả các khâu từ bước nghiên cứu sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thủ tục pháp lý, logistic, marketing… đến khi bán được hàng và xa hơn là tối ưu doanh số trên sàn TMĐT quốc tế.

Trong thời gian tới, Chương trình Go Export sẽ tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp cận và xuất khẩu qua các sàn TMĐT quốc tế, đặc biệt là qua nền tảng TMĐT lớn như Amazon với lượng khách hàng khổng lồ trên toàn cầu. Đồng thời, tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, giúp đánh giá tiềm năng của thị trường xuất khẩu và nghiên cứu sơ bộ các sản phẩm, đưa ra tư vấn tổng quan cho doanh nghiệp. Sau đó, với các doanh nghiệp phù hợp tham gia chương trình, đội ngũ chuyên môn và các chuyên gia sẽ xây dựng chiến lược dài hạn và đồng hành xuyên suốt cùng doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu qua nền tảng TMĐT.

T.M