Dư luận ủng hộ
Sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội đã dần được kiểm soát. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, số lượng F0 tại một số địa bàn có xu hướng tăng cục bộ. Trước tình hình nói trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Hà Nội thực hiện phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”; xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn thành phố để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Mục tiêu là trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 để thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chủ trương phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân Thủ đô. Anh Kim Ngọc Hải ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông chia sẻ: “Do các nguyên nhân khác nhau nên diễn biến dịch ở các xã, phường, quận, huyện cũng không giống nhau. Do đó, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát trên cơ sở tình hình dịch bệnh thực tế của mỗi địa bàn là hoàn toàn hợp lý. Tăng cường biện pháp phòng dịch ở những vùng nguy cơ cao và điều chỉnh dần biện pháp phòng dịch ở địa bàn ít nguy cơ, nguy cơ thấp sẽ vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, vừa giúp người dân ở các “vùng xanh” sớm ổn định đời sống theo trạng thái bình thường mới”.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Lê Thu Trà ở xã Quảng Oai, huyện Ba Vì cho biết: “Tôi cho rằng, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn thành phố. Thực tế, thời gian giãn cách vừa qua đã có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy, với những vùng có nguy cơ thấp, vùng an toàn (vùng xanh), việc áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch phù hợp sẽ là cơ sở giúp người dân tái sản xuất, ổn định đời sống để tiếp tục “chiến đấu” với dịch COVID-19”.
Các lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát kiểm tra giấy đi đường của người dân. (Ảnh: NN). |
Thực tế cho thấy, diễn biến dịch COVID-19 ở một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng nếu không kiểm soát tốt. Đồng thời, tại nhiều khu vực, nhất là các huyện ngoại thành, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát có hiệu quả. Do đó, việc tổ chức phân vùng trên cơ sở mức độ nguy cơ để kiểm soát dịch là giải pháp hoàn toàn hợp lý. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh của dịch bệnh trong cộng đồng, vừa giúp bóc tách triệt để nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng.
Cần nhiều hơn nữa sự chung sức, đồng lòng
Với những diễn biến của tình hình dịch COVID-19 trong cả nước, các chuyên gia cho rằng, “cuộc chiến” chống COVID-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài. Đối với thành phố Hà Nội, với đặc điểm là tập trung dân số đông với nhiều trụ sở, cơ quan, daonh nghiệp... để chủ trương phân vùng, kiểm soát dịch được thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi đặt ra là cần có sự vào cuộc “tổng lực” của các cấp, các ngành, các lực lượng và mỗi người dân Thủ đô.
Cụ thể, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và tự giác thực hiện chủ trương nói trên. Tăng cường thông tin, truyền thông thống nhất, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm và tự giác thực hiện phòng, chống dịch. Các lực lượng chức năng bố trí trực tại các chốt phải đủ thành phần, số lượng phân công ca, kíp trực bảo đảm sức khỏe, duy trì hoạt động lâu dài, bền bỉ; phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì sự an toàn của Thủ đô và sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ xã, phường thực hiện, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các hạn chế, bất cập.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Ba Đình nhận hàng hỗ trợ. (Ảnh: MN). |
Đặc biệt, cần triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai, bảo đảm chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ và nhóm đối tượng nguy cơ, bảo đảm công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ. Ngành y tế và các địa phương cần đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội tại Vùng 1 đến ngày 21/9 để kiểm soát dịch. Tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn, đúng quy định theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.
Cần thấy rõ, người dân tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch. Vì vậy, để người dân yên tâm, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay chăm lo an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần linh hoạt, chủ động trong bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhất là lực lượng công an phường, xã, cảnh sát khu vực, tổ COVID-19 cộng đồng.
Và hơn cả, mỗi người dân Thủ đô dù ở vùng có nguy cơ cao hay vùng ít nguy cơ lây nhiễm, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, tự giác, tích cực thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và các biện pháp kiểm soát dịch của lực lượng chức năng; hạn chế ra đường khi không có việc thực sự cần thiết; chấp hành đầy đủ các quy định khi ra đường... Điều đó không chỉ thể hiện ý thức vì cộng đồng, mà còn là cách tốt nhất để mỗi người thiết thực góp sức trong “cuộc chiến” ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19, vì sự an toàn của cộng đồng xã hội./.
Phạm Như Quỳnh - báo Đarg Cộng Sản