Thời điểm này, một số trường tại Hà Nội đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá kết quả học kỳ II năm học 2021-2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tiền Phong, không ít phụ huynh than thiền điểm kiểm tra học kỳ II, điểm khảo sát chất lượng của con em điểm thấp hơn dự kiến.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, điểm kiểm tra trực tiếp thấp hơn trực tuyến là phản ánh đúng thực tế. Ngoài lý do đề cơ bản thì kiểm tra trực tuyến kết quả sẽ không đảm bảo công bằng, khách quan giữa các học sinh.
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) khẳng định, để đánh giá năng lực thật của học sinh luôn cần được thực hiện trực tiếp. Các nhà trường cần có giải pháp bù đắp cho học sinh rồi mới bắt đầu năm học mới.
"Với tình trạng học trực tuyến kéo dài chưa từng có như năm học qua, năm học tới, Hà Nội nên cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8. Khi đó, nhà trường sẽ có 3-4 tuần cho học sinh ôn tập kiến thức cũ, chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Nhất là học sinh lớp 9 lên lớp 10 năm nay vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu để hổng kiến thức nền tảng sẽ rất khó khăn đảm bảo chất lượng", ông Trung nói.
Cùng quan điểm với ông Trung, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết: "Năm học mới, các trường ngoài công lập có thể sẽ cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, khi đó thầy trò có 3-4 tuần để vừa ôn tập kiến thức, tổ chức các hoạt động trải nghiệm đảm bảo kiến thức, kỹ năng… thiết nghĩ, trường công lập cũng nên có kế hoạch cho học sinh có thêm thời gian ổn định nề nếp, cũng cố kiến thức trước khi vào năm học mới".
Một số hiệu trưởng trường tiểu học cũng cho rằng cần phải bố trí thời gian để giáo viên rèn luyện thêm cho học sinh, nhất là các em trung bình, yếu kém, chưa theo kịp các bạn.
Liên quan đến lịch nghỉ hè của học sinh Hà Nội, theo Tuổi Trẻ, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, trong khung thời gian năm học của UBND thành phố phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5.
Trong khung thời gian năm học đã phê duyệt, bộ GD&ĐT đã tính toán để có dư 2 tuần dự phòng. Đây là khoảng thời gian các địa phương có thể chủ động, linh hoạt sử dụng để dạy bù nếu trước đó phải cho học sinh nghỉ học vì thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, hoặc tổ chức các hoạt động chuyên môn cần thiết.
Linh Chi (T/h)