Hà Nội phát động hội thi tìm hiểu Nghị quyết phát triển Thủ đô

Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn dài hạn.

Ngày 1/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 122 điểm cầu của các quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố với gần 6.000 đại biểu, phát động hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Hà Nội".

Phát biểu tại Lễ phát động, bà Bùi Huyền Mai - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn dài hạn; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế.

Đồng thời, xây dựng và phát triển Thủ đô thật sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn. Nghị quyết cũng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, trong đó có nhiều điểm mới so với các Nghị quyết về phát triển Thủ đô trước đó.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao y tưởng tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Tuyên giáo chủ trì thực hiện.

Đây là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống. Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn Thành phố, qua đó lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ nội dung, tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đến quảng đại quần chúng, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhất là các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hà Nội cũng như phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính sách - Hà Nội phát động hội thi tìm hiểu Nghị quyết phát triển Thủ đô

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Để đạt kết quả tốt, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, hưởng ứng Hội thi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở địa phương, đơn vị và ngành mình.

Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi về hội thi tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhân dân; tích cực cổ vũ, phản ánh tình hình, kết quả hội thi và kịp thời biểu dương những cá nhân, đơn vị triển khai, thực hiện tốt.

Theo Ban Tổ chức, vòng sơ khảo Hội thi diễn ra trong 4 tuần từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/8/2022. Vòng chung khảo gồm 16 thí sinh có thành tích xuất sắc tại vòng sơ khảo tham gia thi vòng chung khảo dự kiến tổ chức ngày 15/9/2022 dưới hình thức thi “sân khấu hóa”. Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TƯ gồm 2 vòng thi: Vòng sơ khảo thi trắc nghiệm trực tuyến diễn ra trong 4 tuần trên nền tảng thi trực tuyến www.tuyengiaothudo.vn. Thí sinh tham gia dự thi bằng cách truy cập vào website của hội thi tại địa chỉ: www.tuyengiaothudo.vn, đăng ký tài khoản và tham gia thi.

Vòng chung khảo Diễn ra dưới hình thức thi “sân khấu hóa” với 3 vòng thi (trắc nghiệm, thuyết trình, trả lời câu hỏi). Trong đó, 16 thí sinh tham gia vòng chung kết (bao gồm 12 thí sinh đạt thành tích cao tại vòng sơ khảo, 4 thí sinh có bài thi tự luận xuất sắc) bốc thăm để chia thành 4 đội, mỗi đội thi có 4 thành viên.

Vòng chung khảo có 3 phần thi diễn ra trên sâu khấu là: Trắc nghiệm, thuyết trình và trả lời câu hỏi. Vòng chung khảo gồm Giải đội tuyển: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba. Trong đó, 1 giải Nhất là Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và tiền thưởng 5.000.000 đồng.