Hà Nội tiếp tục kiến nghị cho trông giữ xe ô tô ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép TP.Hà Nội tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý 2/2024 ngày 24/4, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép TP.Hà Nội tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, số lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn tăng nhanh, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 6.000 ô tô mới được đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh thành phố phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện nay mới chỉ đạt 0,6%.

Bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy
Bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy

Trong khi đó, tình hình đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nên không thể ngay lập tức có hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021 để xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ô tô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải; tổ chức, cá nhân vi phạm về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như thu hồi Giấy phép kinh doanh có thời hạn.

Đánh giá tình trạng “xe dù, bến cóc,” “xe trá hình” tuyến cố định hiện diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở GTVT tải Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để “lách luật”; bổ sung loại hình vận tải mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo không thất thu thuế và quyền lợi hợp pháp của hành khách.

Theo thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong quý I/2024, các Trạm KTTTX lưu động và lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng cân xách tay đã kiểm tra 12.172, trong đó có 969 xe vi phạm, tước 301 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 15,37 tỷ đồng.

Điều này tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, chủ xe và lái xe; đa số địa phương vẫn duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, kiềm chế tái diễn tình trạng xe chở hàng quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.