Hà Nội: Tìm được nguồn lây của nữ nhân viên ngân hàng mắc COVID-19

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, bước đầu nhận định, nguồn lây bệnh COVID-19 cho nữ nhân viên ngân hàng xuất phát từ gia đình chứ không phải từ ngân hàng.

Sau 2 ngày, Hà Nội đã ghi nhận 8 ca COVID-19 liên quan đến bệnh nhân T.H.T., 31 tuổi, sống tại chung cư Sunshine Palace, 13 Lĩnh Nam, Mai Động, quận Hoàng Mai. Chị T. là cán bộ một ngân hàng lớn, có trụ sở tại 25 Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

tienphong-lythuongket-3521-1626510614.jpg
Cơ quan chức năng phong tỏa trụ sở ngân hàng tại 25 Lý Thường Kiệt trong ngày 16/7. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với VietNamNet, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ban đầu cơ quan chức năng nghĩ nguồn lây đến từ ngân hàng nơi bệnh nhân T. làm việc. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các trường hợp liên quan tại ngân hàng đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Do đó, CDC Hà Nội khoanh vùng lại, tập trung phía gia đình bệnh nhân gồm bố mẹ, anh chị em và các cháu. Bước đầu xác định nguồn lây đến từ Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đóng tại quận Hoàn Kiếm. Công ty này là nơi bà T.T.M.H., 52 tuổi, mẹ bệnh nhân T. làm việc.

Vào sáng nay, CDC Hà Nội đã thông báo ca bệnh của bà H. cùng chị T.T.D., 34 tuổi, sống tại Vạn Phúc, Hà Đông cùng làm tại Công ty Transerco.

Để làm rõ nguồn lây ổ dịch này, ngay trong hôm nay Hà Nội sẽ phối hợp sở GTVT triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, lái xe, nhân viên soát vé xe bus trên toàn thành phố.

Theo báo Tiền Phong, về trường hợp bán xổ số Vietlott tại 58 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) được xác định dương tính SARS-CoV-2, ông Tuấn cho hay, trường hợp này cũng ở gần khu vực với chùm ca bệnh liên quan gia đình nữ nhân viên ngân hàng nên bước đầu, có thể nguồn lây cũng xuất phát từ đây. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát để xác định cụ thể.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định, liên quan chùm ca bệnh mới này, việc khoanh vùng, điều tra, xác minh dịch tễ, xác định các trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm đã được các cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng và hiện đang kiểm soát tốt.

Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện các chùm ca bệnh trên địa bàn như tại KCN Thăng Long, chùm ca bệnh tại Mỹ Đức, chùm ca bệnh liên quan TPHCM và kể cả chùm ca bệnh tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ đều xác định được nguồn lây. Các trường có liên quan cơ bản được khoanh vùng.

Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Tuấn, hầu hết các ca bệnh trong đợt dịch lần này đều có xuất hiện triệu chứng, ví dụ như ho, sốt.

"Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn những người dân từng đi ra khỏi thành phố, không nhất thiết là phải vào vùng dịch, khi có triệu chứng nghi ngờ nên liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống dịch COVID-19, để được hướng dẫn kịp thời", ông Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng khuyến cáo, dù thành phố hiện nay không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 nhưng người dân nên hạn chế đi ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Nếu việc cần thiết phải ra khỏi ra thì cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và 5K theo khuyến cáo của bộ Y tế. Tất cả các trường hợp đi lại ra khỏi thành phố đều phải khai báo y tế đầy đủ.

Tính từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng 376 trường hợp, riêng từ ngày 5/7 đến nay có 117 trường hợp thuộc 5 chùm ca bệnh.

Trong đó liên quan đến Bắc Giang có 54 trường hợp (Công ty SEI: 45; Công ty MEDA: 5; Công ty MOLEX: 1; cộng đồng: 3); chùm ca bệnh liên quan đến TP.HCM (Hoa Vôi - Quốc Oai: 18; Nguyễn Du, Hai Bà Trưng: 7; Hòa Xá, Ứng Hòa: 5; các quận, huyện khác: 10); chùm ca bệnh tại An Mỹ, Mỹ Đức: 10 trường hợp; chùm ca bệnh liên quan đến chung cư Sunshine Hoàng Mai: 9 trường hợp; Tân Mai, Hoàng Mai: 1 trường hợp; chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Ninh: 3 trường hợp.