Hà Nội xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố: Làm sao để đảm bảo an toàn?

Việc xét nghiệm 100% cho người dân Hà Nội sẽ giúp bóc tách nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng trong quá trình xét nghiệm cần đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Lấy mẫu sao cho an toàn?

Nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, thành phố Hà Nội yêu cầu thần tốc xét nghiệm 100% người dân toàn thành phố.

Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.

Việc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố đang được các quận, huyện trên địa bàn thành phố họp bàn, triển khai. Tuy nhiên, một vấn đề được người dân quan tâm là làm thế nào để đợt xét nghiệm diện rộng diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn?

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết để giữ được an toàn khi tổ chức lấy mẫu cần lên kế hoạch chi tiết từ khâu: Xác định đối tượng, chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế, chuẩn bị địa điểm xét nghiệm có phân luồng vào, ra một chiều, danh sách người cần xét nghiệm chia ra theo giờ để không tập trung đông người, giữ khoảng cách 2m giữa mỗi người đến xét nghiệm, mang khẩu trang đầy đủ.

“Tại khu vực xét nghiệm, các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo tốt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định 5188 của bộ Y tế”, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung nói.

Ngoài ra, ông Trung cho rằng các chuyên gia y tế lo ngại việc lấy mẫu xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây nhiễm là có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xét nghiệm có sàng lọc, có chỉ dấu rõ ràng thì nhân viên y tế đi lấy mẫu sẽ thực hiện các quy trình kỹ thuật có chuẩn mực không? Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn có chặt chẽ không?.

Vì vậy, theo ông Trung, nhân viên y tế cần đảm bảo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chặt chẽ.

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng khâu tổ chức lấy mẫu ra sao để không trở thành nơi tụ tập quá đông người, không an toàn cũng là điều Hà Nội cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Sự kiện - Hà Nội xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố: Làm sao để đảm bảo an toàn?

Việc xét nghiệm diện rộng cần đảm bảo an toàn

Kiểm soát dịch tốt hơn

Bên cạnh đó, chia sẻ về ý nghĩa của việc tận dụng “thời gian vàng” trong thời gian giãn cách để xét nghiệm diện rộng 100% người dân Hà Nội. PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung cho biết thêm, việc này sẽ nhằm kiểm soát dịch tốt hơn.

Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế - xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp học viện Tài chính bày tỏ để người dân sớm quay trở lại sản xuất thì việc xét nghiệm trên diện rộng cho 100% người dân Hà Nội có tác động rất lớn, cùng với đó việc tiêm đủ vắc-xin cho người dân cũng là yếu tố quan trọng.

“Việc xét nghiệm diện rộng lần này có ý nghĩa quan trọng, sẽ giúp thành phố kiểm soát dịch tốt hơn. Đồng thời, cũng là từng bước giúp thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh nhằm phát triển “mục tiêu kép”. Bên cạnh đó, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân cũng cần được nâng cao hơn nữa. Có như vậy, mọi thứ mới nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường”, ông Thịnh cho hay.

Tập huấn cho tổ lấy mẫu xét nghiệm lưu động

“Sở Y tế thành phố đã có kế hoạch để triển khai việc xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn. Cùng với đó, sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho vài chục nghìn tổ lấy mẫu xét nghiệm lưu động, huy động cả lực lượng y tế và tình nguyện viên. Mỗi tổ từ 2 - 4 người, trung bình là 3 người 1 tổ, huy động chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ khoẻ, có khả năng đi đến từng hộ gia đình. Đội ngũ này được đào tạo lấy mẫu đúng quy cách, đồng thời đào tạo để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà. Ngoài ra, sở Y tế cũng hoàn thiện các video hướng dẫn tự lấy mẫu ở mũi để người dân có thể tự thực hiện tại nhà”, Ông Trương Quang Việt, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Thanh Lam - Hồng Bích/ Người Đưa Tin