Hai bệnh nhi nguy kịch vì sốt xuất huyết, bác sĩ đưa ra lời khuyên quan trọng

Hai bé có bệnh sử khá giống nhau, được chẩn đoán bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng (độ nặng nhất).

Ngày 27/5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết chỉ trong 1 đêm, đơn vị này cấp cứu cho 2 bé nhũ nhi (trẻ dưới 1 tuổi) là N.L.N.M (4 tháng tuổi, ở quận 12) và P.N.U (8 tháng tuổi, ở TP Thủ Đức) trong tình trạng nguy kịch vì sốt xuất huyết.

VietNamNet dẫn lời PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh sử của hai bệnh nhi khá giống nhau. Cụ thể, trong 3 ngày đầu, trẻ sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt lại. Sang ngày thứ 4, trẻ giảm sốt nhưng bú kém, tay chân lạnh, môi tái nên gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám.

Cả hai bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng rất nặng với môi tái, chi mát, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm máu cô đặc với dung tích hồng cầu lên đến 51%. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng (độ nặng nhất), nguy hiểm hơn là xảy ra ở bé dưới 1 tuổi.

hai benh nhi nguy kich vi sot xuat huyet bac si dua ra loi khuyen quan trong

Bất cứ trẻ nào bị sốt từ 2-3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết Dengue và nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: ST/ Lao Động

Hai bé ngay lập tức được cho thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch chống sốc. Tuy nhiên, vì bệnh nhi còn nhỏ và tình trạng trụy tim rất nặng nên việc tiếp cận đường truyền tĩnh mạch khó khăn. Các bác sĩ phải tiến hành chích tủy xương và bộc lộ tĩnh mạch để có đường truyền cấp cứu cho bệnh nhi.

Sau đó, trẻ được truyền dung dịch điện giải và cao phân tử để chống sốc. Các bác sĩ phải khẩn trương truyền máu, các chế phẩm máu như huyết tương tươi, kết tủa lạnh và tiểu cầu để ổn định đông máu, tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não ở trẻ.

Đặc biêt, hai bệnh nhi còn bị suy hô hấp nặng do phù mô kẽ và tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều được hỗ trợ bằng thông khí áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP).

Qua hơn 3 ngày cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, tình trạng của hai bệnh nhi đã cải thiện tốt. Các bé được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết để tiếp tục điều trị. Sau một thời gian, hai bệnh nhi đều đã ổn định và được bác sĩ cho ra viện về nhà.

Theo báo Tuổi Trẻ, không chỉ khoa Nhiễm, Nội tổng hợp mà khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực của của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng tiếp nhận rất nhiều ca sốt xuất huyết Dengue, viêm não, viêm phổi, tay chân miệng trở nặng nhanh và đột ngột.

PGS Quang cho biết hiện đã vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP.HCM. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn hơn và người lớn, vì thế người dân luôn phải cảnh giác vì có nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong nếu lơ là, chủ quan.

Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue gồm: Trẻ sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi.

Khi trở nặng, trẻ đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch với tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen. Bất cứ trẻ nào bị sốt từ 2-3 ngày trở lên cần được nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết Dengue và nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

"Khi trẻ hết sốt vào ngày thứ 4, thứ 6 thì càng phải theo dõi sát hơn vì đây là giai đoạn bệnh có thể trở nặng. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng bao gồm: trẻ lừ đừ, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, tiểu ít, than mệt, nôn ra máu, tiêu phân đen sệt...", PGS Quang chia sẻ.

Đinh Kim (T/h)