Giám đốc sở Du lịch Bình Định đánh golf trong dịch COVID-19 bị đình chỉ công tác 30 ngày
Báo Thanh Niên thông tin, ngày 5/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định đối với ông Nguyễn Văn Dũng để xem xét, xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng là 30 ngày, kể từ ngày 5/8.
Theo ông Nguyễn Phi Long, trong khi cuộc chiến chống dịch COVID19 nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của nhiều tầng lớp nhân dân và của các cấp, các ngành, thì Giám đốc sở Du lịch không thực hiện mà còn vi phạm các quy định phòng, chống dịch là không thể chấp nhận.
Trước đó, từ ngày 31/7 - 1/8, ông Nguyễn Văn Dũng cùng với các ông Nguyễn Công Thành (Phó cục trưởng cục Thuế Bình Định), Nguyễn Hữu Lộc (Giám đốc Công ty TNHH khoáng sản Thành An - ở TP.Quy Nhơn), Lê Văn Thảo (Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài - ở TP.Quy Nhơn) đã đi đánh golf tại một sân golf ở ngoại ô TP.Quy Nhơn, có tiếp xúc gần với một nữ nhân viên làm việc tại đây.
Ngày 3/8, nữ nhân viên này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, 4 người đi đánh golf đã được đưa đi cách ly tập trung. Ngày 4/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày (bắt đầu từ ngày 4/8) đối với ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng cục Thuế Bình Định, để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo
Theo báo Công an nhân dân, trước đó, ngày 20/7 anh V.H.Đ (ngụ phường Tân Nhơn Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) đưa vợ là chị N.T.A.H đi sinh tại bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Ngày 25/7, anh Đ. cùng vợ và con gái mới sinh thuê xe cấp cứu từ bệnh viện Từ Dũ về nhà vợ tại dân phố, phường Lộc Sơn và được xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, các trường hợp đến, trở về từ TP.HCM đều phải thực hiện cách ly tập trung. Tuy nhiên, UBND phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc đã cho các trường hợp này được cách ly tại nhà.
Chiều 31/7, trung tâm Y tế TP Bảo Lộc lấy mẫu gộp của 3 người trong gia đình anh Đ. gửi xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại bệnh viện II Lâm Đồng. Sáng 1/8, mẫu gộp của gia đình anh Đ. cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, trung tâm Y tế TP Bảo Lộc đã tiến hành lấy mẫu riêng biệt cả 3 người trong gia đình anh Đ. tiến hành xét nghiệm RT-PCR, đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR người còn lại trong gia đình anh Đ. cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Chiều 1/8, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn 15 ngày để làm rõ những vi phạm trên. Liên quan đến sự việc, UBND TP Bảo Lộc cũng đang xem xét, xử lý kỷ luật Bí thư và Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn.
Đình chỉ công tác chủ tịch xã vì để F1 về nhà thăm vợ
Theo thông tin trên tạp chí Tri thức trực tuyến, mới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra quyết định tạm đình chỉ công tác 14 ngày với ông Hồ Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Trường bị xử lý do đã cho F1 về thăm gia đình dù người này đang chờ kết quả xét nghiệm và chưa thực hiện cách ly tập trung.
Trước đó, ngày 27/7, ngành y tế ghi nhận anh H.T.C (43 tuổi, tài xế xe bus) là F1 của một bệnh nhân đã công bố trước đó. Nam tài xế sau đó được cách ly tại trường Tiểu học Quỳnh Lâm, lấy mẫu xét nghiệm và chờ kết quả.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm đã cho phép trường hợp F1 này rời điểm cách ly về nhà thăm vợ vừa sinh.
Đến ngày 28/7, mẫu xét nghiệm của F1 này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Lào Cai: Một giáo viên bị đình chỉ vì vi phạm phòng, chống dịch
Báo Lao động thông tin, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Xuân Tùng, sinh năm 1983, trú tại thôn Xả Hồ, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, là giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Cốc Ly 1, huyện Bắc Hà để xác minh làm rõ các nội dung liên quan tới các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thời gian tạm đình chỉ công tác là 15 ngày, kể từ ngày 16/5. Trong thời gian tạm đình chỉ công tác, ông Phạm Xuân Tùng có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh, làm rõ những nội dung liên quan trên.
Trước đó, theo điều tra dịch tễ của trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, từ ngày 29/4, Phạm Xuân Tùng có đi khám bệnh tại Trung tâm bệnh viện Nhiệt đới (bệnh viện Bạch Mai) trở về Lào Cai ngày 30/4; có di chuyển, tiếp xúc nhiều người.
Cơ quan y tế đã điều tra được 40 trường hợp tiếp xúc gần trường hợp trên và đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết như phun khử khuẩn, tăng cường khai báo y tế trên địa bàn, tuyên truyền thực hiện thông điệp 5K của bộ Y tế.
Vi phạm quy định về phòng, chống dịch: Phải xử lý nghiêm để làm gương!
Báo Đảng Cộng Sản dẫn lời Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, nghiêm cấm các hành vi như sau: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong trường hợp Bệnh nhân COVID-19 nếu không tuân thủ biện pháp cách ly mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế thì: người nào thực hiện che giấu hiện trạng truyền nhiễm nhóm A của bản thân hoặc người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.
Trường hợp sau khi từ nơi cách ly tập trung trở về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà mà lại tụ tập ăn nhậu, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19:
“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, bao gồm:
a) Trốn khỏi nơi cách ly.
b) Không tuân thủ quy định về cách ly.
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.’’