Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh xin làm tình nguyện viện chăm sóc F0

Cảm phục sự chịu đựng và hy sinh của các y, bác sĩ đã giành giật sự sống cho mình, nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh đã xin làm tình nguyện viên chăm sóc các F0 bởi việc F0 chăm sóc F0 sẽ có nhiều thuận lợi.

Báo Công an nhân dân thông tin, lực lượng tình nguyện viện chăm sóc F0 đã và đang là người đồng hành chia sẻ gánh nặng với lực lượng y tế. 

Tại bệnh viện Điều trị Covid -19 Củ Chi, mấy ngày qua nhiều người luôn nhắc tới trường hợp BN Hà Ngọc Trường (SN 1993, ngụ tại quận 1). Sau 30 ngày kể từ khi mắc bệnh được điều trị tại bệnh viện này, có những lúc tưởng không vượt qua được, phải điều trị tích cực tại khu hồi sức cấp cứu (ICU), Trường đã khỏi bệnh nhưng anh đã bày tỏ ý nguyện được tiếp tục ở lại giúp bệnh nhân.

Trường chia sẻ khi anh bệnh nặng chuyển lên khu Hồi sức cấp cứu, anh đã thấy các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc không ngơi tay. Trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, suốt nhiều giờ các y, bác sĩ liên tục làm việc, nhiều người không có lúc ngơi nghỉ để ăn uống… Tất cả họ rất cực nhọc nhưng đều gắng sức để điều trị, giành giật mạng sống cho hàng trăm người bệnh Covid-19 bị bệnh nặng, rất khó thở.

f0-care-f0-kim-ut-16303119397411647994285-1630455565.jpg
Một F0 đã âm tính đang chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện dã chiến số 4 - Ảnh: Tuổi trẻ

Trong thời gian điều trị ở đây, anh cũng thấy những BN lớn tuổi, bệnh nặng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, điều trị. Vì thế, anh nghĩ đến việc ở lại vừa để phụ giúp y, bác sĩ, vừa để hỗ trợ BN khác. Hơn 20 ngày trước, khi đã có kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện, Trường đã trình bày nguyện vọng và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo BV cho Trường được ở lại hỗ trợ y, bác sĩ chăm sóc cho BN.

Sau đó, Trường đã được hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cho người bệnh và bảo vệ mình để tránh các nguy cơ. Những ngày qua, vào các buổi sáng, Trường đều đi khắp các phòng bệnh để hỏi thăm từng BN, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì sẽ giúp ngay.

Để đảm bảo an toàn, lúc chăm sóc cho các BN khác, Trường đều mang khẩu trang, đeo găng tay cẩn thận. Đến nay, đã có hơn 20 ngày ở lại (chưa kể thời gian điều trị), Trường cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn vì đã làm được việc có ích…

Tương tự, một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Duy (SN 1996, quê Khánh Hòa). Anh Duy sau quá trình được điều trị tích cực tại BV Điều trị Covid -19 Củ Chi, cũng đã đủ điều kiện xuất viện, nhưng thay vì trở về với gia đình, cảm kích trước tấm lòng và sự nhiệt tình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã chăm sóc cho mình, anh Duy cũng xin bệnh viện cho ở lại để phụ giúp các y, bác sĩ chăm sóc cho BN F0…

Theo BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 Củ Chi, hiện BV có một số bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh, rành về các công đoạn chăm sóc người bệnh nên đã tình nguyện ở lại chăm sóc cho BN F0 đang điều trị, điển hình như hai BN kể trên.

Cũng theo BS Trần Chánh Xuân, BV này đang triển khai mô hình “tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là nhân viên y tế bị nhiễm đang điều trị để phụ giúp y bác sĩ theo dõi F0 hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh. Lực lượng tự quản đã phát huy tinh thần tập thể tự chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau và giúp các y, bác sĩ giúp giảm áp lực cho lực lượng làm công tác chuyên môn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại BV Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức cũng có nhiều BN F0 sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại. Đáng nói, những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.

Và cũng như BV Điều trị Covid-19 Củ Chi, BV Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức cũng đã triển khai mô hình “tổ tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là F0 đã được điều trị khỏi phụ giúp y, bác sĩ theo dõi các ca F0 khác hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh…

Theo báo VTC News, bên trong phòng cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM - nơi cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng - chỉ có tiếng máy thở bao trùm, cùng mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Y bác sĩ ở đây ai cũng đang hối hả tận dụng từng phút, từng giây để cứu chữa bệnh nhân.

Trợ giúp các y bác sĩ, có 1 tổ tình nguyện viên là các F0 đã khỏi bệnh, vì cảm phục sự hy sinh của nhân viên y tế nên đã xin quay trở lại để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

“Cố gắng lên ông nhé, chúng cháu sẽ luôn bên cạnh, ông hãy vững tin, ít hôm nữa ông sẽ khỏe mạnh trở lại và được về nhà với con cháu”, Nguyễn Minh Quang (SN 1988, ngụ quận Bình Tân) động viên ông T. phải thở máy với chỉ số SpO2 chỉ còn 70%. Sau những lời động viên đầy tỉnh cảm của Quang, ông T. xúc động, gật đầu một cách khó khăn.

Quang là tình nguyện viên đang làm việc tại bệnh viện dã chiến số 3, hàng ngày hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, thay oxy cho các bệnh nhân Covid-19.

Ngày 2/8, Quang nhập viện, sau 14 ngày điều trị thì khỏi bệnh. Ngày 16/8, Quang xuất viện trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày theo yêu cầu. 

Trong những ngày điều trị tại bệnh viện, thấy y bác sĩ nơi đây làm việc rất vất vả, thường xuyên thiếu ngủ nhưng họ vẫn ân cần hỏi thăm người già, quan tâm và chu đáo với bệnh nhân trẻ.

Tấm lòng của lực lượng y tế nơi đây chính là động lực để Quang vượt qua sự không đồng tình từ gia đình, người yêu để làm đơn tình nguyện trở lại hỗ trợ điều trị F0.

da-chien-so-3-5-22563936-1630456748.jpg
Nguyễn Minh Quang đang vỗ lưng cho bệnh nhân dễ thở. Ảnh: VTC News

“Lúc đăng ký quay trở lại thì tâm lý của mình cũng vững rồi, những gì bản thân trải qua và đã chiến thắng bệnh tật thì mình nghĩ câu chuyện của mình sẽ truyền được cảm hứng cho những cô chú lớn tuổi để họ vượt qua”, Quang chia sẻ.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, những F0 đã được điều trị khỏi bệnh tại các bệnh viện sẽ đều ít nhiều có kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, họ hiểu tâm lý, nhu cầu của người bệnh nên sẽ chăm sóc và tư vấn người bệnh tốt hơn tình nguyện viên bình thường.

Bên cạnh đó, bản thân những F0 đã khỏi bệnh là một liều thuốc tinh thần cho các F0 đang điều trị. Các tình nguyện viên F0 có thể tự tin nói: tôi đã từng bị dương tính, tôi đã khỏi và đang khỏe mạnh, các bạn hãy lạc quan, cố gắng và sẽ khỏi như tôi. Đây là một sự hỗ trợ rất hữu ích cho quá trình điều trị của các F0.

Từ đầu mùa dịch đến giờ, nhiều F0 đã âm tính nhờ sự chăm sóc của y bác sĩ và tình nguyện viên ở các bệnh viện, họ thấy rõ lực lượng ở các bệnh viện đang bị quá tải, họ muốn ở lại để phục vụ cho các F0 khác.

Theo thông tin đăng tải trên báo Tiền Phong, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 1.200 trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Sở Y tế Bình Dương đề xuất chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/người/ngày đối với khoảng 800 người phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 và mức 150.000 đồng/người/ngày đối với khoảng 400 người phục vụ tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.

Các trường hợp này được hỗ trợ tiền ăn theo mức quy định 80.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, hỗ trợ từ nguồn vận động tự nguyện đóng góp phòng, chống dịch của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương mức 100.000 đồng/người/ngày.

Vận động “F0” đã khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Bệnh viên Nguyễn Tri Phương (TPHCM) kêu gọi và vận động các bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi bị nhiễm Covid - 19 hãy vào bênh viện phụ giúp nhân viên y tế.

Cụ thể, gồm các công việc sau:

Hỗ trợ các khâu vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, vận chuyển trang thiết bị…

Yêu cầu: Có tinh thần thiện nguyện, không ngại khó, làm việc nhóm, chấp thuận tuân theo nội quy làm việc của bệnh viện.

Điều kiện: Bao ăn ở. Quà cảm ơn hiện kim, hiện vật (7 - 9 triệu/tháng).

Hottline F0 tình nguyện đăng ký: 0908.031661

Nếu hotline có vấn đề, xin liên hệ BS Tiên 0937.360960. Ưu tiên người đăng ký trước.

Hải Đăng (T/h)