Ngày 14/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn chết vừa thu giữ được.
Trước đó, tại khu vực tổ 8 (ấp 6, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô biển số 93C -175.22 do nam tài xế điều khiển đang vận chuyển 10 con lợn đã chết có tổng trọng lượng 1.065 kg (không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp) mang đi tiêu thụ.
Tổ công tác tiếp tục kiểm tra tại nhà người này và phát hiện có thêm 665kg thịt lợn chết không rõ nguồn gốc xuất xứ, được ướp đá trong các thùng xốp, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước cho biết thêm, trước đó đơn vị này cũng phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra xe tải mang biển số 89C-244.88, do tài xế Lê Ngọc Hiếu (SN 1994, ngụ tỉnh Hưng Yên) điều khiển, lưu thông trên tuyến quốc lộ 14, đoạn thuộc ấp 2 (xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 8.585kg (hơn 8,5 tấn) sản phẩm động vật gồm trứng gà non, nội tạng bò, gân bò, chân giò bò và óc lợn. Toàn bộ số hàng hóa này không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật và đã bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối.
Làm việc với cơ quan công an, tài xế Hiếu khai đã vận chuyển từ TP.Hà Nội vào TPHCM để giao cho khách hàng chế biến làm thực phẩm. Cơ quan chức năng đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm động vật trên và lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Luật An toàn thực phẩm (ATTP) số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010 và các Nghị định, Chỉ thị của Nhà nước trong quản lý ATTP được ban hành thời gian qua là cơ sở, hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Gần đây nhất là Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Về trách nhiệm pháp lý, đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP thì mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Cụ thể, Điều 317 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27/11/2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu rõ:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức; Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
Người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm cần tìm hiểu kỹ các nguồn hàng hóa trước khi mua và sử dụng, đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các địa điểm như siêu thị hoặc các điểm bán hàng được cấp phép. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức của bản thân nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.