Hành trình “địa ốc ma” Alibaba lừa đảo chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng, hơn 4.000 bị hại

Gần 2 năm từ khi khởi tố vụ án, Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung với vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “địa ốc ma” Alibaba với hơn 20 bị can.

Cuối tháng 7/2021 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an TP.HCM ban hành kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện 35 tuổi, ngụ Gia Lai là Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba (công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền khi "vẽ" ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận tự phân lô tách thửa trái phép, để thực hiện giao dịch với hàng nghìn bị hại theo mô hình đa cấp (cam kết trả lãi, mua lại với giá cao).

Lộ diện hàng loạt ..."dự án ma"

Ngày 24/9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Alibaba, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba đã chỉ đạo và cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh thành lập công ty Alibaba và các công ty thành viên có quy mô hơn 2.600 nhân viên.

Sau đó, các đối tượng này tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân là người thân đứng tên, tự vẽ ra trên 40 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho các khách hàng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay cấp phép.

Hồ sơ điều tra - Hành trình “địa ốc ma” Alibaba lừa đảo chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng, hơn 4.000 bị hại

Từ trái qua là các đối tượng Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực.

Kết luận điều tra bổ sung chỉ ra, tính đến ngày 30/6/2019, công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.

Cùng với các hành vi kể trên, em trai của Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh cũng thừa nhận, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với vai trò giúp sức, bằng cách sử dụng tư cách cá nhân để đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng từ khách hàng của công ty Alibaba.

Trong quá trình điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng triệu tập, lấy lời khai ông Nguyễn Thái Lực (một người em trai nữa của Nguyễn Thái Luyện) để làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Người này là Tổng Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và Thương mại địa ốc Xanh, trụ sở tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và công ty CP Địa ốc Long Thành Ali, trụ sở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Qua kiểm tra, cơ quan Công an xác định ông Lực có đứng tên nhiều giấy tờ đất và có vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các chi nhánh công ty Alibaba, sau đó Lực cũng bị khởi tố.

Lời khai của kẻ chủ mưu

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thái Luyện khai nhận mình giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc, trong quá trình điều hành. Y cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên và người nhà, người thân đứng tên thành lập nhiều pháp nhân.

Sau đó, các pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật, với mục đích khi có dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai những dự án khác.

Các công ty/pháp nhân đều được Luyện kiểm soát chặt chẽ bằng việc chia tỷ lệ vốn góp chính cho công ty Alibaba hoặc các em ruột của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực, vợ mình là Võ Thị Thanh Mai.

Trong khi đội ngũ giám đốc đứng tên và đại diện pháp luật chỉ nắm giữ phần vốn góp không quá 15% trong tổng vốn điều lệ.

Hồ sơ điều tra - Hành trình “địa ốc ma” Alibaba lừa đảo chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng, hơn 4.000 bị hại (Hình 2).

Võ Thị Thanh Mai là vợ của Nguyễn Thái Luyện có hành vi rửa tiền từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chồng.

Để đảm bảo điều kiện về vốn khi đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản, Luyện chỉ đạo bộ phận pháp lý thực hiện kê khai vốn điều lệ cho các pháp nhân tối thiểu là 20 tỷ đồng từ nguồn tiền của công ty Alibaba, nhưng trong thực tế thì các thành viên đều không có nguồn vốn góp như tỷ lệ đăng ký.

Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo nhân viên dùng một địa chỉ để đăng ký thông tin trụ sở kinh doanh cho nhiều pháp nhân và chi nhánh, các pháp nhân do Luyện chỉ đạo thành lập đều không hoạt động kinh doanh và kê khai báo cáo thuế, chỉ sử dụng vào hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ đầu tư đối với các dự án không có thật.

Do đó, toàn bộ nguồn thu của công ty Alibaba đều từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ các dự án không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp.

Còn đối tượng Võ Thị Thanh Mai là vợ của Nguyễn Thái Luyện cũng khai nhận rằng bản thân được Luyện phân công quản lý bộ phận kế toán; giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của công ty Alibaba.

Theo đó, toàn bộ chi phí hoạt động của công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện thì Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.

Nguồn tiền thu của công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương và hoa hồng cho nhân viên; mua đất; trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh; trả lãi định kỳ cho khách hàng (phương thức để lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư).

Kịch bản 5 bước bài bản, tinh vi

Kết quả điều tra của Công an TP.HCM phối hợp với công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận khẳng định, tất cả các dự án của công ty Alibaba đều chưa được làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng các đối tượng đã tổ chức quảng cáo là đất nền dự án để lôi kéo các khách hàng.

Các “dự án ma” của Alibaba được triển khai theo phương thức là mua đất nông nghiệp có quy hoạch dân cư trong tương lai rồi hợp thửa, giao cho các cá nhân là người thân trong gia đình Luyện, Lĩnh đứng tên, sau đó hiến đất làm đường để đấu nối các thửa đất với trục đường chính.

Tiếp đó, các cá nhân này ủy quyền cho một trong các công ty con của Công ty Alibaba lập dự án theo các bước được Nguyễn Thái Luyện tự quy định và ban hành mà bất chấp quy định pháp luật.

Các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tự ý tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài...) rồi dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.

Hồ sơ điều tra - Hành trình “địa ốc ma” Alibaba lừa đảo chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng, hơn 4.000 bị hại (Hình 3).

Chính quyền địa phương tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận đã cung cấp tài liệu cho Công an TP.HCM trong việc điều tra hoạt động của công ty địa ốc Alibaba.

Căn cứ vào diện tích, vị trí thửa đất dự kiến làm “dự án ma”, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thuộc công ty Alibaba thực hiện việc vẽ phối cảnh, vẽ sơ đồ nền đất, soạn thảo các nội dung thông tin đặc điểm dự án, nội dung quảng cáo, tiếp thị cho nền đất bán.

Tiếp đó, Nguyễn Thái Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với công ty Alibaba để công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các “dự án ma”; đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật Kinh doanh bất động sản.

Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của công ty Alibaba, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Cam kết lãi cao nhưng không có sổ đỏ

Theo trình báo của một số người bị hại tại cơ quan điều tra, để lôi kéo và đánh vào lòng tham của khách hàng, công ty Alibaba cam kết lợi nhuận khi đầu tư vào các dự án lên đến 30%/năm, thậm chí đến 45%/15 tháng và sẵn sàng mua lại thửa đất người dân đã bỏ tiền ra đầu tư.

Với phương thức bài bản 5 bước, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn.

Mà sau đó sẽ được công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Hồ sơ điều tra - Hành trình “địa ốc ma” Alibaba lừa đảo chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng, hơn 4.000 bị hại (Hình 4).

Do số lượng người bị hại quá lớn nên sau 2 năm, Công an TP.HCM mới hoàn thành kết luận điều tra bổ sung.

Theo PC03, toàn bộ dự án dân cư được "vẽ" trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Do đó, không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Trong thời gian hoạt động, Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập, đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án tự vẽ, không có thật, thông qua công ty Alibaba, ký kết tổng cộng một lượng đặc biệt lớn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chiếm đoạt số tiền 2.503 tỷ đồng của 4.130 bị hại.

Trong đó có nhiều khách hàng là nhân viên thuộc công ty Alibaba.

Hơn 20 bị can bị bắt giữ, khởi tố

Tháng 9 và 10/2019, PC03 TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng đối tượng Lực bị khởi tố thêm về tội Rửa tiền.

Tháng 3/2020, thêm 11 người đã bị bắt tạm giam, Công an TP.HCM khởi tố thêm 14 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến tháng 10/2020, Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam thêm 6 bị can khác liên quan đế vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền ở Công ty Alibaba.

Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật