Từ ngày 12/6, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng HDBank, Sacombank và GPBank giảm 0,2-0,35 điểm %/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Theo Tri thức trực tuyến, thông báo mới nhất HDBank cho biết, từ ngày 12/6, ngân hàng này sẽ áp dụng biểu lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân mới với mức giảm 0,2 điểm % ở một loạt kỳ hạn trên 6 tháng.
Cụ thể, với hình thức gửi online, lãi suất các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng của HDBank sẽ giảm từ 7,9%/năm xuống còn 7,7%/năm. Trong khi lãi suất các kỳ hạn 7-11 tháng và 24-36 tháng được giữ nguyên ở mức 6,9%/năm.
Đối với các khách hàng cá nhân gửi tiền tại quầy, nếu chọn kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất HDBank chấp nhận chi trả cũng chỉ là 6,6%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng và 24-36 tháng hưởng lãi suất 6,8%/năm; kỳ hạn 12 và 18 tháng hưởng lãi suất 7%/năm. Trong khi các kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng được chấp nhận chi trả mức lãi suất lần lượt ở 7,55%/năm và 6,9%/năm.
Với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng, người gửi tiền tại HDBank vẫn được nhận mức lãi suất kịch trần 5%/năm đối với cả 2 hình thức gửi tại quầy và online.
Tương tự, Sacombank cho biết từ ngày 12/6, nhà băng này áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Trong đó, lãi suất tại các kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên đều đã giảm 0,2-0,35 điểm %.
Cụ thể, tại kỳ hạn gửi 6 và 12 tháng, lãi suất huy động của Sacombank sẽ giảm 0,2 điểm % xuống 6,6%/năm và 7,2%/năm; kỳ hạn gửi 13 tháng lãi suất giảm 0,3 điểm %, xuống 7,2%/năm; kỳ hạn 36 tháng lãi suất giảm 0,35 %, còn 7,45%/năm. Với các kỳ hạn gửi còn lại, nhà băng này giữ nguyên mức lãi suất so với biểu lãi trước đó, dao động trong khoảng 6,7-7,4%/năm.
Đối với hình thức gửi tại quầy, Sacombank hiện áp dụng mức lãi suất thấp hơn 0,2 điểm % so với hình thức gửi online.
Cũng từ 12/6, GPBank đã đưa ra biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng cho các khách hàng cá nhân với xu hướng giảm 0,2 điểm % cho một số kỳ hạn trung bình đến dài.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tại nhà băng này đã giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,6%/năm. Với kỳ hạn gửi 7 và 8 tháng, lãi suất GPBank đưa ra cùng giảm từ 7,85%/năm xuống còn 7,65%/năm. Còn tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất điều chỉnh xuống 7,7%/năm từ mức 7,9%/năm niêm yết trước đó.
Khách hàng tham gia gửi tiết kiệm tại GPBank với thời hạn 12 tháng hiện được chi trả mức lãi suất 7,8%/năm, gửi 15-36 tháng được trả lãi 7,9%/năm, đều giảm so với tháng trước.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, GPBank vẫn chi trả mức lãi suất cao nhất lên tới 8,4%/năm, áp dụng đối với các kỳ hạn gửi 13-36 tháng. Tại kỳ hạn 12 tháng, khách hàng cá nhân hiện được ngân hàng đưa ra mức lãi suất 8,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng nhận lãi 8,1%/năm và kỳ hạn 7-9 tháng nhận lãi suất trong khoảng 8,15-8,2%/năm.
Như vậy, HDBank, Sacombank và GPBank là những nhà băng tiếp theo gia nhập làn sóng giảm lãi suất huy động tiền gửi trong tháng 6. Trước đó, nhóm ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất huy động trong tháng 5.
Với hình thức gửi tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ, hiện cả HDBank và Sacombank đã xóa sổ mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất tối đa người gửi tiền vào HDBank nhận được hiện chỉ là 7,7%/năm trong khi tại Sacombank là 7,45%/năm (không yêu cầu hạn mức gửi tối thiểu).
Theo VTC News, hàng loạt ngân hàng tư nhân khác cũng hạ tiếp lãi suất huy động trong tháng 6 có thể kể đến như VPBank, SCB, Techcombank, TPBank, NamABank, Saigonbank…Những nhà băng này hạ lãi suất thêm 0,2-0,7 điểm % ở tất cả kỳ hạn gửi tiền.
Trước đó, trong tháng 5, nhiều ngân hàng đã có 2 đợt điều chỉnh lãi suất. Việc tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 6 cho thấy các nhà băng đang "đua" thiết lập mặt bằng lãi suất mới. Với kỳ hạn 12 tháng, số nhà băng để mức lãi trên 8%/năm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ở nhóm "Big 4" (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), lãi suất đang ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm.
Theo dự báo của giới chuyên gia, lãi suất huy động vẫn có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong đó, bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDiect nhận định, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lý do như nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành, theo tờ Nhịp sống thị trường.
Vân Anh (T/h)