Thời gian gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) thu hút sự chú ý không nhỏ của dư luận khi một công ty "ít tên tuổi", gần như không có hoạt động gì lại có vốn điều lệ "khủng" lên tới gần 128.000 tỷ đồng.
Theo thông tin trên Cổng thông tin đăng ký về doanh nghiệp, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Bùi Văn Việt (SN 1953, trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Người Lao Động đưa tin, Công an xã Trường Yên cho biết, ông Bùi Văn Việt cùng gia đình đang sinh sống tại địa phương, có làm ăn kinh doanh nhưng nhỏ lẻ, không đến mức vốn quá lớn (buôn bán tạp hoá).
Vì vậy, trước những thông tin mà báo chí đăng tải về việc ông Việt là chủ doanh nghiệp có vốn đăng ký lên tới gần 128.000 tỷ đồng, phía Công an xã Trường Yên khá bất ngờ và đã tiến hành nắm thông tin từ cán bộ địa phương.
Vị này cũng cho biết thêm, việc xác minh nhân thân ông Bùi Văn Việt phải được sự yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Trước đó, một cổ đông khác của công ty là ông Trần Đức Thuỷ (SN 1982, nguyên quán tại huyện Ý Yên, Nam Định) cho biết đã hoàn thành góp hơn 13 tỷ đồng vào công ty.
Khi được hỏi tháng 6/2019 góp bao nhiêu vốn vào "siêu doanh nghiệp", chia sẻ với báo giới, cá nhân này chỉ nói "góp chút ít". Tuy nhiên, cổ đông này cũng cho biết không tham gia sâu vào quá trình hoạt động kinh doanh của công ty, để cho các cổ đông khác phụ trách vì đều là "chỗ làm ăn quen biết".
Như đã thông tin trước đó, Công ty Toàn Cầu đăng ký thành lập năm 2018 với số vốn điều lệ 132 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là ông David Aristotle Phan (ở Mỹ) góp vốn 52,8 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, doanh nghiệp này công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), vượt xa so với tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup hoặc vốn điều lệ của một loạt ngân hàng thương mại lớn cộng lại. Theo như đăng ký, cổ đông nước ngoài David Aristotle Phan góp 51.161 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.
Theo thông tin từ cục Thuế Hà Nội, từ khi được thành lập đến nay, "siêu doanh nghiệp" nói trên không phát sinh doanh thu, không nộp thuế VAT, không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và chỉ đóng thuế môn bài theo quy định (3 triệu đồng/năm).
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật