Hiểm hoạ cháy nổ từ những khu nhà "không lối thoát" tại Hà Nội
Hiện nay Thủ đô Hà Nội hiện có tới 500.000 nhà ống, trong đó 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và đều không có lối thoát hiểm.
Từ vụ hoả hoạn kinh hoàng trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người trong 1 gia đình tử vong thương tâm lại dấy lên mối lo ngại về nguy cơ cháy nổ từ những ngôi nhà san sát nhau, không có lối thoát hiểm. Theo thống kê hiện nay Thủ đô Hà Nội hiện có tới 500.000 nhà ống, trong đó 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ, khi các ngôi nhà đều không có lối thoát phụ.
Theo đó nhà hình ống thường có một lối đi, khó thoát hiểm, thiết kế thường chỉ có 1 cầu thang, khi cháy khói sẽ lan nhanh ra các tầng trên. Ngoài ra do lo ngại bị đột nhập nên các chủ nhà thường xây kín đáo và khóa cửa nhiều lớp nên khi có sự cố hỏa hoạn thường không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng.
Các vụ hoả hoạn gần đây tại Hà Nội gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản đều từ những căn nhà bị 'bịt' bởi rào sắt và không có lối thoát hiểm, lối đi nhỏ rất khó khăn cho việc chữa cháy nếu xảy ra hoả hoạn.
Trong khi đó ở nhiều khu chung cư cũ, người dân cơi nới để tăng diện tích sử dụng khiến vô tình tạo thành "chuồng cọp”.
Hình ảnh những ngôi nhà ống san sát nhau chỉ còn thừa lại một lối đi nhỏ. Những ngôi nhà này đều chỉ có một lối đi, không có lối thoát hiểm khi đuôi nhà này sát với đuôi nhà khác.
Chia sẻ với Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Nguyễn Thanh Huyền (Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết, vì diện tích đất ở Thủ đô là ít và đắt đỏ nên người dân phải tận dụng tối đa xây hết không gian. “Nhà dân ở đây thường chỉ có một lối đi còn 3 hướng xung quanh đều là tường của nhà hàng xóm, ở trên ban công các nhà cũng gia cố hàng rào và cửa để chống trộm, vô tình trở thành một khối hộp nếu xảy ra hoả hoạn sẽ rất nguy hiểm”, chị Thanh Huyền nói.
Những khu tập đã xuống cấp trầm trọng, sự nguy hiểm vẫn đang trực chờ, khi nguy cơ sập, mất an toàn phòng chống cháy nổ cũng diễn ra rất cao.
“Chuồng cọp” là kiểu nhà điển hình tại những khu tập thể cũ.
Theo ghi nhận của phóng viên có một số căn hộ trên tầng hai, dây điện chằng chịt, lộ thiên, bếp núc được đặt ngay ngoài ban công, có cả bếp than tổ ong lẫn bếp ga.
Trong khi đó nhiều hộ vẫn chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy nổ.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoa người dân sinh sống tại khu tập thể cho biết: "Khu tập thể này tồn tại đã hơn nửa thế kỷ, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, hơn nữa lại làm bằng gỗ nên chỉ cần sơ xẩy là có thể xảy ra hoả hoạn".
Do diện tích có hạn, điều kiện sinh hoạt khó khăn, khiến người dân phải phơi cả quần áo lên những dây điện, dây mạng chằng chịt trước hiên nhà.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết, cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”.
Người dân cần lưu ý việc sử dụng điện, bình gas vào việc đun nấu; thực hiện chế độ kiểm tra nguồn lửa, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ. Cụ thể, đối với nhà riêng, người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất. Với các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu...
Việc sử dụng vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn cần phải thi công đảm bảo. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện...