Hiểm họa từ đồ ăn vặt “3 không” gắn mác “nội địa Trung Quốc”

Sau một thời gian “im ắng”, tình trạng đồ ăn vặt gắn mác “nội địa Trung Quốc”, “nội địa Thái Lan”,… có dấu hiệu trở lại và ẩn họa với sức khỏe người tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ vẫn còn nguyên.

Đồ ăn vặt không nhãn mác “siêu rẻ” bán tràn lan

 

Hiện tại, không khó để tìm thấy các từ khóa như: “đồ ăn vặt Trung Quốc”, “đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc”,… trên các nền tảng tìm kiếm, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

 

Với từ khóa “đồ ăn vặt Trung Quốc”, trang tìm kiếm Google đưa ra khoảng 16.400.000 kết quả trong 0,45 giây. Trong đó, nổi bật là các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppe,… đang bày bán công khai các sản phẩm có liên quan.

 

Theo thông tin quảng cáo trên mạng, PV tìm đến cửa hàng có tên Siêu thị Lạc Phúc địa chỉ tại số 7 Tú Mỡ (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Cửa hàng được quảng cáo bán các sản phẩm “nội địa Trung Quốc” với hàng trăm loại sản phẩm từ đồ ăn vặt, gia vị, rượu bia, nước ngọt,…

anh-2-1671035295.jpg
Có thể dễ dàng mua sắm các sản phẩm đồ ăn vặt, gia vị Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Tuy mở cửa hàng và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội nhưng đa phần các sản phẩm tại đây không thực hiện các quy định về kinh doanh như tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, niêm yết giá,…

 

Các sản phẩm hoàn toàn là “3 không”, thậm chí là nhiều không do người mua không thể nắm bắt được các thông tin cơ bản như thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, nhà sản xuất,…

 

Do đó, việc mua hàng hoàn toàn dựa trên việc tìm hiểu các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội hoặc lời giải thích sơ sài của nhân viên bán hàng. Sau khi lựa chọn ngẫu nhiên một số sản phẩm ăn vặt đang “nổi” trên mạng xã hội như chân gà, cánh vịt,… PV mang ra thanh toán và hỏi về các thông tin trên, nhân viên bán hàng sau một hồi loay hoay tìm hiểu chỉ đưa ra con số về hạn sử dụng lên tới 270 ngày từ ngày sản xuất.

 

Các thông tin khác về thành phần và nhà sản xuất, nhân viên tại cửa hàng dường như chỉ giải thích khá sơ sài theo “bài” do không đọc được cụ thể các dòng chữ bằng tiếng nước ngoài.

 

Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, hoạt động kinh doanh các sản phẩm nói trên rất rầm rộ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với giá “siêu rẻ”. Chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng/sản phẩm trở lên, người tiêu dùng đã có thể sở hữu các đồ ăn uống sau vài giờ đặt hàng. Tại các sàn thương mại điện tử, những sản phẩm nói trên được bán theo set, combo với giá chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng trở lên, thậm chí được miễn phí vận chuyển.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, các sản phẩm đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc được các Youtuber, Tiktoker,… nối tiếng làm các video quảng cáo, review rầm rộ gắn kèm với link bán hàng ở phần bình luận hoặc miêu tả.

anh-1-1671035272.jpg
Các sản phẩm “đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc” được các Youtuber, Tiktoker,... quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội.

Tuy nói là review, nhận xét khách quan về sản phẩm nhưng đa phần các sản phẩm được những người sáng tạo nội dung nói dùng những lời lẽ gây sự tò mò kích thích người xem trải nghiệm.

 

Theo chia sẻ của một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, hình thức nói trên là một mô hình quảng bá sản phẩm affiliate marketing (tiếp thị liên kết). Qua đó, sau khi người tiêu dùng xem các video và mua thông qua đường link do nhà sáng tạo nội dung đăng tải, lợi nhuận sẽ được đơn vị cung cấp chia sẻ cho những người này.

 

Nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng

 

Nhận định về tình trạng trên, đồng thời đánh giá qua một số sản phẩm mẫu do pv cung cấp, PGS, TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, khi đánh giá về tính an toàn, dinh dưỡng những sản phẩm thức ăn nhập khẩu phải có bao bì, nhãn phụ, hóa đơn xuất nhập khẩu,…

 

“Ví dụ như những sản phẩm có chữ Trung Quốc phải có tem chú thích như tên, hạn sử dụng, nguồn gốc, công ty sản xuất, phân phối… Còn những sản phẩm như thế này thì không biết có thật sự xuất phát từ nước ngoài hoặc đơn vị, công ty uy tín hay không. Mỗi sản phẩm khi được sản xuất sẽ có 2 tiêu chí, ngày sản xuất và ngày hết hạn. Sau ngày đấy, sản phẩm sẽ bị biến đổi về hóa học hoặc không đảm bảo dinh dưỡng.

 

Để đưa ra được hạn sử dụng, người ta sẽ có kĩ thuật riêng. Ở đây, những sản phẩm này không đáng tin cậy. Nếu như sản phẩm có quy cách sẽ có thời hạn rõ ràng và bắt buộc phải có tem phụ. Khi đã mua những sản phẩm như thế này mà không được kiểm soát, không đảm bảo được công ty cung ứng từ nước ngoài có đảm bảo tiêu chí không, không tem mác phụ nên có thể thấy nó không an toàn cho người sử dụng”, vị chuyên gia phân tích.

anh-3-1671035295.jpg
Cửa hàng có tên Siêu thị Lạc Phúc địa chỉ tại số 7 Tú Mỡ (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chuyên bán các sản phẩm đồ ăn vặt, gia vị được quảng cáo có xuất xứ Trung Quốc.

Nói về những lo ngại về việc các sản phẩm nói trên có thời hạn tự công bố lên tới hàng trăm ngày, PGS, TS Bùi Thị Nhung cho biết, việc bảo quản phụ thuộc vào công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, các sản phẩm trôi nổi sẽ khó đảm bảo các tiêu chí.

 

““Ví dụ như sữa, người ta sẽ sử dụng phương pháp Pasteur sẽ chỉ để được thời hạn rất ngắn, gọi là sữa thanh trùng. Còn sữa tiệt trùng sẽ sử dụng phương pháp xử lí nhiệt khác, thời hạn sẽ dài hơn. Thông thường, hạn sử dụng cho các sản phẩm sẽ có phương pháp, quy định nhất định.

 

Khi trình lên để xin giấy phép, bắt buộc phải có quy định về quy trình, công nghệ, sản xuất, kiểm nghiệm. Tuy nhiên, những sản phẩm trôi nổi thì không thể biết được. Cũng có thể người ta công bố như thế, nhưng nó không đúng như thế, họ cũng chưa làm thử quy trình đấy”, PGS, TS Bùi Thị Nhung đánh giá.

 

Ngoài ra, PGS, TS Bùi Thị Nhung cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng các sản phẩm đồ ăn vặt đang được bán tràn lan trên các nền tảng internet. Bà Nhung cho rằng, hiện nay, không có ngành chức năng nào kiểm soát được hoạt động này, qua đó, sức khỏe người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

“Nếu mua bán ở siêu thị, các sản phẩm đều có hóa đơn chứng từ, được kiểm soát rất tốt. Nhưng nếu mua trên các nền tảng MXH (mua online), tôi thấy rằng không có được sự đảm bảo về pháp luật của sản phẩm.

 

Một sản phẩm không có một quy trình chuẩn thì có thể là chất phụ gia không an toàn, hoặc thực phẩm không có nguồn gốc, không tươi sạch. Tuy nhiên, sản phẩm lại được tẩm ướp những vị mà giới trẻ rất thích, không đảm bảo cho sức khỏe, tác động lâu dài đến sức khỏe”, bà Nhung nhấn mạnh.

anh-4-1671035294.jpg
Đa phần các sản phẩm trong cửa hàng đều không có tem nhãn phụ hoặc niêm yết giá theo quy định.

Đánh giá thêm về tình trạng các loại đồ ăn vặt, gia vị xuất xứ nước ngoài đang được bán tràn lan trên mạng, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm, việc quản lý cần được tổ chức bài bản ngay tại các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”.

 

“Các sản phẩm này nếu là hàng ngoại nhập cần có sự kiểm soát ngay từ cửa khẩu biên giới, nếu để đến lúc vào bụng người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ rồi thì đã quá muộn. Ngoài ra, các sản phẩm này được quảng cáo là đồ “nội địa Trung Quốc” nhưng tôi rất nghi ngờ về nguồn gốc.

 

Nếu không phải các sản phẩm được chính phủ Trung Quốc kiểm định chất lượng mà từ những nguồn không xác định khác thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Các lực lượng chức năng cần lập tức vào cuộc vì người tiêu dùng rất dễ hình dung khi sản phẩm được bán ra là đã đảm bảo về tính hợp pháp”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết.

Thanh Phong - Ngọc Bảo