Hộ nghèo câu trộm 7 triệu tiền điện, bị lừa phạt 1 tỷ đồng

Những người tham gia phiên tòa không giấu khỏi sự bàng hoàng trước bản án cho cho ông La. Một bị kịch đau thương chẳng ai ngờ tới.
cau-trom-dien2-1736405831.png
Ông La thừa nhận hành vi ăn trộm điện của mình. Ảnh: Baijia Hao

Trang Sohu kể câu chuyện này khiến nhiều người sững sờ. Cụ thể, ông La là một người mẫn cán và chất phác. Sau thời gian dài làm việc xa quê cùng vợ, ông quyết định trở về quê nhà tại Trùng Khánh, Trung Quốc sinh sống. 

Vợ chồng ông La quyết định nhận nuôi một ao cá để cải thiện cuộc sống. Do mới làm, thiếu kinh nghiệm nên công việc gặp nhiều khó khăn. 

Vào lúc chuẩn bị gặt hái thành quả thì ao cá gặp vấn đề. Ông La vội vàng tìm đến các chuyên gia và được tư vấn rằng ao cá bị thiếu oxy, cần phải lắp máy sục khí. Sau khi được sự đồng ý của công ty điện lực, hai bên ký hợp đồng cung cấp điện và tình hình ao cá cũng dần ổn định.

Tuy nhiên, khi công ty điện lực gửi hóa đơn, ông La giật mình vì số tiền lớn hơn kỳ vọng. Trong lúc cuộc sống khó khăn, vừa muốn tiết kiệm điện nhưng vẫn đảm bảo nuôi cá ở ao, ông La đã có hành vi lắp đặt lại đường điện, bỏ công tơ và dùng trộm không trả tiền.

cau-trom-dien-1736405330.png
Ao cá của vợ chồng ông La. Ảnh: Sohu

Mọi chuyện nhanh chóng bị vỡ lở khi nhân viên điện lực thấy mức độ tiêu thụ điện của gia đình ông đang cao đột nhiên xuống thấp bất thường. Sau khi tới kiểm tra và đối chất, ông La thừa nhận mình đã có hành vi sai phạm và đồng ý chịu phạt.

Vì trước đó có chút quen biết nên ông La đã nhờ trưởng thôn liên hệ với trạm trưởng điện lực là ông Lưu, mong được giảm nhẹ hình phạt. Không ngờ, khi tới gặp ông Lưu, vì không hiểu biết pháp luật, ông La bị ông Lưu lừa gạt.

Ông Lưu nói rằng việc trộm 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) tiền điện của ông La là "tội ác tày trời", yêu cầu nộp phạt 360.000 tệ (khoảng 1 tỷ đồng). Ông La sững sờ không biết xoay sở ra sao. Sau khi ông La van xin và trưởng thôn cũng lên tiếng, ông Lưu giảm số tiền phạt xuống 120.000 tệ (Hơn 400 triệu đồng). Vì mặc cảm tội lỗi và thiếu hiểu biết, ông La đã ký vào đơn đồng ý nộp khoản tiền phạt này.

Dù vậy, 120.000 tệ vẫn là một số tiền quá lớn đối với gia đình khó khăn như ông La. Vì vậy, ngày hôm sau ông La quyết định tới trạm điện để xin thương lượng với ông Lưu một lần nữa. Trước lời van nài của ông La, ông Lưu đe dọa: "Nếu anh không đưa tiền, tôi sẽ kiện anh ra tòa, để anh ngồi tù cả đời, để con anh cả đời mang tiếng có người cha là kẻ trộm."

Ông La bị trưởng trạm Lưu sỉ nhục, cộng thêm sự bất mãn trong lòng, trong cơn tức giận, ông rút ra một con dao nhỏ, đâm mạnh vào ngực trưởng trạm Lưu, miệng lẩm bẩm: "Đây là do anh ép tôi, anh ép tôi vào đường cùng."

Cuối cùng, trưởng trạm Lưu bị đâm 22 nhát dao tại trạm điện và tử vong ngay tại chỗ. Ông La ngây người nhìn trưởng trạm Lưu nằm gục trên đất, sau đó lặng lẽ bước ra khỏi trạm điện và đến đồn cảnh sát tự thú.

Tại phiên tòa xét xử vào năm 2023, ông La thừa nhận tội danh trộm cắp và giết người. Ông Lưu mặc dù đã lạm quyền, lừa gạt để ăn chặn tiền từ ông La nhưng vì hành vi giết người tàn nhẫn của ông La là không thể chối cãi. Do đó, sau cùng tòa tuyên án tử hình cho ông La.

Những người tham gia phiên tòa không giấu khỏi sự bàng hoàng trước bản án cho cho ông La. Bên cạnh đó cũng nhiều người bày tỏ sự thương xót cho người thân của hai bên gia đình. Chẳng ai ngờ được mọi chuyện lại rơi vào kết cục bi thương như vậy.

Ở Việt Nam:
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Điện lực 2004 thì trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác.

Theo Điều 7 Luật Điện lực 2004 thì các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện bao gồm:

- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.

- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật Điện lực 2004.

- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.

- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.

- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Trộm cắp điện.

- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 Luật Điện lực 2004.

- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.

Như vậy, hành vi trộm cắp điện là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định.

Xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp điện
Theo khoản 8, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt với mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP))

Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp điện
Về hành vi trộm cắp điện đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội trộm cắp tài sản như sau:

- Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Bảo Vy (t/h)