Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia trước đó yêu cầu hội nghị được tổ chức tinh giản, gọn nhẹ nhất bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid – 19; rà soát số lượng hợp lý các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung tại điểm cầu Nhà Quốc hội; tại địa phương, tuỳ theo điều kiện thực tế, rút gọn số lượng tham dự và có thể nối điểm cầu trực tiếp xuống các huyện.
499 người được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội
Vừa qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia vừa họp phiên thứ 8 xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 58 (vừa bế mạc ngày 14/7) trước khi trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.
Với gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu, vượt lên những khó khăn, thách thức chưa từng có do tác động của đại dịch Covid – 19, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thành công rất tốt đẹp. Cuộc bầu cử được diễn ra theo nguyên tắc phổ thông bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín; bảo đảm yêu cầu dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử theo đúng nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 – tỉnh Bình Dương. 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được công bố vào ngày 10/6/2021.
Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, hoàn thành việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của chính quyền địa phương các cấp. Chủ tịch Quốc hội cũng đã ký phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, cán bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến cơ sở đã được kiện toàn.
Tại Kỳ họp thứ nhất tới đây, Quốc hội Khóa XV sẽ kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của Trung ương là 50 nhân sự) để hoàn tất toàn bộ công tác nhân sự từ Trung ương đến địa phương.
Quốc hội lần đầu tiên có đại diện 2 dân tộc Lự và Brâu
Quốc hội Khóa XV có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu; 301 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 4 đại biểu tự ứng cử; số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách tại Trung ương là 126 người, số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương là 67 người.
Về cơ cấu kết hợp, đại biểu là phụ nữ có 151 người, đạt tỷ lệ 30,26%; đại biểu là người dân tộc thiểu số có 89 người, đạt tỷ lệ 17,84%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi có 47 người đạt tỷ lệ 9,42%; đại biểu là người ngoài Đảng có 14 người, đạt tỷ lệ 2,81%; đại biểu Khóa XIV tái cứ hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước có 203 người, đạt tỷ lệ 40,68%; đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội có 296 người, đạt tỷ lệ 59,32%.
Về trình độ chuyên môn: trên đại học có 392 người, đạt tỷ lệ 78,55%, trong đó, tiến sỹ có 144 người, thạc sỹ có 248 người, đại học có 106 người; dưới đại học có 1 người. Học hàm Giáo sư có 12 người, Phó Giáo sư có 20 người.
Với kết quả nêu trên, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.
Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ nữ đại biểu, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên, nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội. Số lượng đại biểu Quốc hội là phụ nữ cũng lớn nhất từ trước đến nay với 151 đại biểu, đạt 30,2%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
N.T - VOV.VN