Theo Vietnamnet, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Gói này theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng sẽ để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Trước đó, chiều 3/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn gửi các ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 Chính phủ, với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng.
Đại diện HoREA cho rằng, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao, nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Hiệp hội cũng đánh giá, thời gian áp dụng ưu đãi 5 năm với người mua nhà, sau đó áp dụng lãi suất thỏa thuận là quá ngắn. Đồng thời, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp, trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
“Nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi, người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ càng là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị.
Do vậy, về lâu dài nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội.
Thông tin trên báo Kinh tế đô thị, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là rất nhỏ so với nhu cầu vốn của cả giai đoạn 2021–2030 theo Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021–2030 (chiếm khoảng 10% nhu cầu vốn cả giai đoạn).
Như vậy, hiện nay người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đặc biệt quan tâm đến 2 gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội là gói 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Nghị quyết trong đề án tổng thể về phát triển nhà ở xã hội; và gói 120.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước thống nhất với các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về những gói tín dụng này, bởi gói 120.000 tỷ đồng có thể triển khai cho vay luôn, nhưng phải phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường; còn gói 110.000 tỷ đồng sẽ cho vay ưu đãi với lãi suất từ 4,8–5%, nhưng vẫn cần bàn thảo thêm một thời gian nữa. Bên cạnh đó, gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thống nhất chỉ thấp hơn lãi suất thị trường từ 1,5–2%, nghĩa là vẫn ở mức trên dưới 10%, nên người dân và doanh nghiệp cần phải có tính toán cẩn trọng khả năng chi trả đối với khoản vay này.
Vân Anh (T/h)