Theo dự thảo của bộ Y tế, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm:
- Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích trên 5.000 m3; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
- Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31.7.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, bao gồm:
- Nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác.
- Cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khối lớp học có khối tích dưới 5.000 m3;
- Nhà ga, bến tàu, bến xe, trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí và địa điểm cộng cộng khác.
Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, bao gồm: Ô tô; Tàu bay; Tàu điện.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, quán karaoke, vũ trường; Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.
Dự thảo thông tư cũng đưa ra yêu cầu chung đối với địa điểm cấm hút thuốc lá như phải có biển “cấm hút thuốc lá” bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Biển cấm phải đặt tại các địa điểm cấm hút thuốc lá phải bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ quan sát, không bị rách, nát, mờ, hỏng, được in trên giấy, nhựa hoặc chất liệu khác, có thể đặt, để trên bàn, kệ hoặc các nơi thích hợp, gắn, dán hoặc treo tường (sau đây gọi chung là đặt); biển đặt ngoài trời in trên chất liệu chịu nước…
Mức phạt đối với các hành vi vi phạm về hút thuốc lá, tại Điều 25 Nghị định 117/2020 có hiệu lực từ 15/11/2020 đã quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đối với đơn vị kinh doanh, tập thể sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.