Học theo lời cổ nhân dạy: Dùng nhân đối với người, dùng nghĩa đối với mình

'Muốn đối xử tốt với mọi người dùng nhân đối với người, dùng nghĩa đối với mình phải bắt đầu từ việc tu thân', theo Khổng Tử.

Bậc đại Nho đời Tây Hán là Đổng Trọng Thư từng nói : “Dùng Nhân để yên lòng người, dùng Nghĩa để quy chính mình”, “Phép tắc của Nhân là yêu thương người, không phải là yêu thương mình”, “Phép tắc của Nghĩa là quy chính mình, không phải quy chính người”, “Nhân, là người, Nghĩa là mình”.

Dưới đây là trích lục trong “Xuân Thu phồn lộ” về sự khác biệt giữa nhân và nghĩa.

Kinh “Xuân Thu” nghiên cứu quan hệ giữa người khác và bản thân mình. Nhân và Nghĩa được dùng để nghiên cứu phạm trù quan hệ giữa người và mình. Dùng Nhân để an định người khác, dùng Nghĩa để đoan chính bản thân, do đó Nhân là để biểu đạt đối đãi với người khác như thế nào, Nghĩa để biểu đạt đối đãi bản thân mình như thế nào. Nói ra tên gọi là đã phân biệt được sự khác nhau rồi.

Nghĩa và Nhân là khác nhau. Nhân là thi hành cho người khác, thúc đẩy mở rộng ra bên ngoài, do đó gọi là “đi”. Nghĩa là đòi hỏi ở mình, do đó gọi là “về”. Nhân thi hành càng xa càng đáng được khen ngợi, Nghĩa yêu cầu bản thân càng gần càng đáng được khen ngợi. Đưa yêu thương đến đến với người khác gọi là Nhân. Hành vi bản thân phù hợp, gọi là Nghĩa. Nhân chú trọng đối đãi với người khác, Nghĩa chú trọng đối đãi với bản thân. Do đó nói rằng, Nhân tức là người, Nghĩa tức là mình.

Người quân tử tìm chỗ khác biệt của Nhân và Nghĩa để điều tiết quan hệ giữa người với mình, sau đó phân biệt rõ sự khác biệt giữa trong và ngoài, từ đó hiểu rõ quan hệ giữa thuận và nghịch. Do đó về phương diện đối đãi bản thân, chúng ta dựa vào đạo lý quy chính bản thân, mỗi hành vi hành động đều hành sự theo quy định của lễ, từ đó có được càng nhiều phúc lành hơn. Về phương diện đối đãi người khác, thì mở rộng thi ân đức, thi ân rộng rãi đến với người khác, có lòng bao dung và dung nạp đông đảo mọi người.

Khổng Tử nói với Nhiễm Hữu: “Quản lý nhân dân, trước tiên phải làm cho họ giàu có, sau đó tiến hành giáo dục và cảm hóa họ”.

Khổng Tử nói với Phàn Trì rằng: “Rèn luyện bản thân, trước tiên phải làm việc khó, sau đó mới tính đến thu hoạch”.

Những lời dạy này đã nói rõ, rèn luyện bản thân và quản lý nhân dân, thứ tự, độ khó dễ các việc cần làm là khác nhau.

Kinh Thi viết: “Để họ được uống, để họ được ăn, rồi giáo dục họ, rồi hướng dẫn họ”, coi ăn uống của người dân là việc hàng đầu, tiếp sau là giáo dục dạy dỗ, cảm hóa họ.

Kinh Thi cũng viết: “Chặt cây lẫy gỗ, tiếng rìu vang vang, dùng làm bánh xe, đó là quân tử, chẳng ăn ngồi nhàn”.

Kinh “Xuân Thu” châm biếm những lỗi lầm của những người ở ngôi vị cao, thương xót cho nỗi thống khổ của nhân dân. Lỗi của nước khác thì không đề cập đến, lỗi của nước mình thì ghi chép lại rồi phê bình. Tất cả những điều này đều là dùng Nhân đối đãi với người và dùng Nghĩa đối đãi mình, nghiêm khắc khiển trách lỗi lầm của bản thân, nhẹ nhàng nhắc nhở lỗi lầm của người khác.

Ngoài ra trong Luận Ngữ cũng có ghi chép, nhưng người bình thường hay bỏ qua. Trong Luận Ngữ nói: “Người quân tử khiển trách lỗi lầm của bản thân, không khiển trách lỗi lầm của người khác”.

Không trách cứ lỗi lầm của người khác, đó chẳng phải là thi hành việc nhân đức rộng rãi đó sao? Đây chính là điều mà mọi người nói Nhân tạo phúc cho mọi người, Nghĩa thành tựu bản thân, có gì khác nhau đâu?

Do đó nói ra sai lầm của bản thân gọi là chính trực, nói ra sai lầm của người khác gọi là trúng thương. Nghiêm khắc yêu cầu bản thân gọi là trung hậu, nghiêm khắc yêu cầu người khác gọi là hà khắc. Cầu toàn trách bị với bản thân gọi là minh trí, cầu toàn trách bị với người khác gọi là mê hoặc.

Do đó, nghiêm khắc yêu cầu bản thân, nhưng nếu lấy tiêu chuẩn yêu cầu bản thân ra để yêu cầu người khác, nghiêm khắc yêu cầu người khác, đó chính là ở ngôi vị cao mà không đủ khoan dung.

Khoan dung với người khác, phóng túng, dễ dãi với bản thân, đó chính là ở trong lễ mà không đủ cung kính.

Ở trong lễ mà không cung kính, chính là tổn hại phẩm hạnh, mọi người sẽ không tôn trọng.

Ở ngôi vị cao mà không khoan dung, chính là tổn hại nhân hậu, mọi người sẽ không thân cận.

Mọi người không thân cận, thì sẽ không tin tưởng. Mọi người không tôn trọng, thì sẽ không kính nể.

Người ở ngôi vị cao mà điên đảo tiêu chuẩn tu sửa bản thân và tu sửa người, thì sẽ thực thi méo mó, sẽ bị người dân ở dưới phê phán.

Chuyện nhân - nghĩa ở đây tương tự như câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Dám nhận trách nhiệm của mình trước khi quy lỗi cho người khác. 

Khi vấp ngã trên đường đời, chúng ta cần phải xem xét bản thân trước khi đổ lỗi cho mọi người xung quanh. Chẳng hạn khi ta thất bại trong công việc, ta cần trách là chính bản thân mình chưa chuẩn bị kĩ càng, chưa siêng năng,.. Còn những ai đổ lỗi cho việc không đủ thời gian, không được làm việc trong môi trường tốt, do xui xẻo,... là những người không có trách nhiệm với bản thân, công việc. Tuy nhiên việc làm sau đó là gì nữa? Trách bản thân xong ta lại quay ra ăn vạ, trách làng trách xóm như anh Phèo của nhà văn Nam Cao hay sao.

Nhân nghĩa đối xử với mọi người

Khổng Tử nói rằng, muốn đối xử tốt với mọi người phải bắt đầu từ việc tu thân. Đối xử với mọi người không phải là mục đích mà mục đích là đề cao cảnh giới của bản thân. Khổng Tử đem “nghĩa, lễ, tốn, tín” làm phẩm chất thiết yếu của người quân tử.

Người quân tử có thể thông qua tự xét lại mình để nhận thức “nhân”, dùng “nhân” để  “khiêm tốn”, dùng khoan dung mà đối đãi người khác, hành nhân nghĩa với người. Bất luận là ở tại thời điểm nào đều dùng tiêu chuẩn đạo đức cao thượng làm nguyên tắc đối nhân xử thế, thủ vững tâm linh sạch sẽ, thiện hóa người khác, trân quý sinh mệnh, tư tưởng không bị loạn bởi phú quý, phẩm đức không bị cải biến bởi nghèo hèn, ý chí không bị khuất phục bởi quyền thế. 

Sống ở trên đời, hầu hết mọi người đều muốn kết giao với người quân tử. Bởi lẽ giao chân tình cho quân tử thì dễ, chứ đem lòng dạ thật thà đối đãi với tiểu nhân lại là chuyện khó.

Chúng ta vẫn thường cho rằng, mình đối với người khác tốt, họ cũng sẽ đối xử lại với mình như vậy. Nhưng khi bản thân ta đã cư xử không tốt với họ, thì họ lấy gì để đối tốt với ta?

Vậy mà khi nhìn thấy đối phương mắc lỗi, đa số mọi người thường không bỏ qua mà tìm cách chỉ ra lỗi sai ấy, tự coi đó là cách sống ngay thẳng để "giữ mình trong sạch".

Kỳ thực, khi vạch trần lỗi lầm của người khác, ngoại trừ việc phân rõ thị phi, ta dễ xen thêm vào đó thứ cảm xúc mang tên "coi thường", "chán ghét". Đối đãi với người làm sai theo cách thức như vậy, trong tâm sẽ khó sinh ra lòng từ bi.

Kết quả của hành động ấy là khiến người kia chuyển sang thế đối địch với ta, từ đó thêm  thù bớt bạn, thậm chí nếu là người cùng chung chiến tuyến cũng sẽ nảy sinh sự bài xích. 

Ngộ nhỡ chẳng may "đụng" phải tiểu nhân, ta sẽ khiến kẻ đó "thẹn quá hóa giận" và tìm cơ hội ám hại, như vậy chẳng khác nào tự đẩy bản thân vào chỗ nguy hiểm.

Chỉ khi tâm hồn thực sự an yên, bạn mới có thể không quan tâm cái nhìn của người khác đối với mình, không quá coi trọng ưu - nhược điểm, càng không đặt nặng vấn đề được - mất, từ đó dùng chân tình để quản đãi mọi người. 

Thanh t/h