Khác với tâm lý lo lắng, mua hàng tích trữ như trước đây, nhiều người dân tới siêu thị mua thực phẩm chỉ vừa đủ dùng cho gia đình, không có hiện tượng khan hiếm hàng
Sáng ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn TP trong 15 ngày với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu được hoạt động, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.
Thành phố đề nghị mỗi người dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, Nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa.
Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, trong bất kỳ tình huống nào cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa của người dân, kể cả khi sức mua tăng cao.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin Pháp Luật tại siêu thị Big C Thăng Long sáng 24/7, lượng người mua hôm nay tăng nhẹ so với ngày thường. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm rất đa dạng, phong phú. Người dân đến đây thoải mái mua sắm lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, nhân viên siêu thị thường xuyên bổ sung hàng hoá lên kệ, không để xảy ra tình trạng hết hàng.
Chia sẻ với PV, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc chuỗi cửa hàng Big C và Go tại Hà Nội và miền Bắc cho biết, sáng nay lượng người mua sắm tại Big C đông hơn ngày thường nhưng lượng hàng hoá và đặc biệt thực phẩm rất đầy đủ.
“Thực hiện chỉ đạo của sở Công thương TP Hà Nội về công tác đảm bảo nguồn cung thực phẩm, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã cung ứng đủ nguồn hàng nên không có tình trạng khách mua hàng gấp gáp, siêu thị không quá đông. Các công tác phòng dịch thực hiện rất tốt tại các cửa ra vào. Theo đó, tất cả khách mua sắm đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt. Có phương án phân luồng khách hàng nếu quá đông để đảm bảo an toàn”, ông Phong thông tin.
Tất cả khách mua sắm đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt.
“Tôi nghĩ khách hàng cần bình tĩnh, không nên dồn đến vào một thời điểm quá đông. Thực phẩm là mặt hàng thiết yếu do vậy khách không phải vội vã, các đơn vị cung cấp luôn sẵn sàng", ông Phong nói.
"Nguồn cung thực phẩm của Hà Nội rất dồi dào, ngoài nguồn cung tại Hà Nội thì khu vực xung quanh các tỉnh tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt nên sản lượng đều ổn định và hoàn toàn đáp ứng cho thủ đô trong thời gian này”, ông Phong thông tin thêm.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Các kệ hàng tại siêu thị luôn đầy ắp
Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Người dân đã có tâm lý thoải mái, bình tĩnh hơn so với những đợt giãn cách trước đây
Nguyễn Hữu Thắng - Người Đưa Tin Pháp Luật