Khai tử cho người đang sống bị xử lý như thế nào?

Việc khai tử người đang sống là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người đang sống.

Luật sư Nguyễn Văn Đại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Phong, đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Hộ tịch năm 2014 trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết, vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký khai tử tại UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.

Về thành phần hồ sơ khai tử, ngoài các giấy tờ về nhân thân của người chết cũng như người đi đăng ký khai tử, thì người đăng ký khai tử còn bắt buộc phải nộp giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp (đây sẽ là tài liệu, căn cứ xác định một người là đã chết).

khai tu cho nguoi dang song bi xu ly nhu the nao

Luật sư Nguyễn Văn Đại.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền cấp giấy báo tử như sau:

- Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp giấy báo tử.

- Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay giấy báo tử.

- Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay giấy báo tử.

- Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y thay giấy báo tử.

- Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp giấy báo tử.

Như vậy, rõ ràng các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, hồ sơ để thực hiện đăng ký khai tử một người được quy định rất chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng.

Cơ quan thực hiện đăng ký khai tử có trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ của người đăng ký khai tử. Nhất là đối với các trường hợp UBND cấp xã vừa là nơi cấp giấy báo tử và đăng ký khai tử, thì việc kiểm tra, xác minh về việc người bị khai tử còn sống hay đã chết là bắt buộc phải thực hiện trên thực tế.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.

Do đó, rõ ràng việc khai tử một người còn sống hoàn toàn xuất phát từ việc không thực hiện đầy đủ kiểm tra, xác minh hồ sơ của người đăng ký khai tử theo quy định.

Hiện nay, với hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tử 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp.

PV