Cơ duyên tìm đến “khởi đầu mới”
Nhắc đến tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công, người dân xứ Lạng đã không còn mấy xa lạ với cái tên Vi Thị Lụa (SN1986, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng), với những dự án hướng đến sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, được đông đảo khách hàng ưa chuộng.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ tấm bé, trong đôi mắt của cô học trò Vi Thị Lụa đã lấp lánh ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy vừa để không tốn học phí đại học cho bố mẹ, vừa muốn dạy chữ cho trẻ em, góp phần giúp quê hương thoát nghèo. Chính bản thân chị cũng từng nghĩ, sẽ mãi gắn bó với sự nghiệp trồng người, với phấn trắng, bảng đen và những trang giáo án...
Chị nhớ lại: “Tôi bắt đầu trở thành giáo viên dạy Ngữ văn từ năm 2011, suốt gần chục năm gắn bó, tôi cũng đã có không ít kỷ niệm với học trò, đồng nghiệp... Công việc vẫn cứ đều đặn hai buổi sáng chiều lên lớp và soạn bài đến đêm khuya, cho đến một ngày, khi gia đình tôi gặp khó khăn về kinh tế, tôi đã bắt đầu tranh thủ thời gian rảnh tập tành kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập.
Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã có rất đông khách hàng, và tôi chính thức bén duyên với lĩnh vực này khi bắt đầu hy vọng bản thân sẽ có một sản phẩm mang thương hiệu riêng. Thế là tôi bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất kinh doanh tinh bột nghệ - tam thất - mật ong, bước đầu rất thành công, thị trường rất rộng mở”.
Kinh doanh trở thành một đam mê chớm nở, cô giáo Vi Thị Lụa chính thức xin nghỉ tại trường, để chuyên tâm với lĩnh vực mới. Trong quá trình khách hàng sử dụng sản phẩm tinh bột nghệ - tam thất - mật ong, nhận thấy cơ địa một số khách hàng bị nóng do sử dụng mật ong, chị Lụa đã nảy ra ý tưởng, phải sản xuất ra một thứ trà gì đó có công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Chị bắt đầu tìm hiểu và biết đến rất nhiều nguyên liệu khác nhau có thể giải nhiệt, tuy nhiên, cuối cùng, chị lựa chọn cây diếp cá làm nguyên liệu chính, bên cạnh lá dứa nếp và cây cỏ ngọt.
Lý giải về điều này, người phụ nữ 35 tuổi cho biết: “Cây diếp cá mọc tự nhiên rất nhiều ở nơi tôi sinh sống và khu vực lân cận, nên tôi đã xác định lựa chọn đây là nguyên liệu chính cho sản phẩm của mình. Một điểm nữa khiến tôi rất tự hào về nguyên liệu này, là vốn dĩ, cây diếp cá mọc ở vùng này sẽ có những đặc trưng rất khác so với cây được trồng ở đồng bằng, có lẽ bởi, chúng được mọc trên những khe núi, được hấp thụ trọn vẹn “linh khí của đất trời”, nên cũng cho hương vị đặc trưng…”.
Xác định được nguyên liệu chính của sản phẩm mình muốn hướng đến, nữ doanh nhân bắt đầu tiến hành từng bước: “Ngay khi nhận thấy tiềm năng của loài cây này, tôi dồn hết mọi vốn liếng vào đầu tư, bên cạnh nền tảng công nghệ được thừa hưởng từ gia đình. Để đưa ra được sản phẩm ưng ý, tôi cũng đã trải qua không ít những lần thất bại. Với mong muốn tự mày mò, tìm ra hương vị, màu sắc đặc biệt hơn hẳn so với các sản phẩm tương tự đang được bày bán trên thị trường. Thậm chí, ngay đến chất lượng giấy lọc, tôi cũng phải tự mình dành thời gian tìm hiểu và chọn lựa.
Khó khăn lớn nhất đối với tôi trong giai đoạn đó chính là tìm được vùng nguyên liệu đủ lớn, vì khi ấy, ở Lạng Sơn chưa thực sự có. Tôi đã phải huy động nhiều nguồn lực để thu mua giống cây diếp cá từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về, trồng thí điểm, mong tìm ra những nguyên liệu chất lượng nhất. Ấy vậy, vì khi đó, thời tiết thu đông không phù hợp, nên cây cứ trồng đến đâu, lại lụi đến đó… Từ người thân đến bạn bè, hàng xóm đều bắt đầu nghĩ tôi sẽ không thể thành công, nên ra sức khuyên tôi hãy dẹp bỏ… Chính vì vậy, bản thân tôi cũng không khỏi lo lắng!”.
“Sau một thời gian tìm hiểu kỹ hơn, nắm được đặc điểm của cây diếp cá, tôi bắt đầu chờ đợi. Đến khi cây bén rễ và sinh trưởng tốt, rồi đến tầm tháng 3/2021, khi từng ruộng trồng thí điểm cho mẻ thu đầu tiên, trong lòng tôi không khỏi lâng lâng. Song song với việc kết hợp cùng các hộ nông dân trồng thử nghiệm, bản thân tôi cũng tự trồng thêm khoảng 5-6 sào, để cho mọi người thấy mình tạo được năng suất lớn, cũng là cách tạo động lực cho bà con”, chị thở phào nhẹ nhõm.
Hiện tại, chị Vi Thị Lụa cũng đang đặt thu mua với một số hộ sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.
Cơ hội giúp bà con thay đổi chất lượng cuộc sống
Sau suốt nhiều tháng theo đuổi lĩnh vực mới, đến thời điểm hiện tại, chị Vi Thị Lụa đã có trong tay một thương hiệu riêng, đặc biệt, được sự ủng hộ của lượng lớn khách hàng và có được sự ghi nhận đến từ hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Mới đây, ngày 15/10, chị là một trong 24 đại diện được tôn vinh trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021”. Vượt qua hàng nghìn dự án và những ý tưởng khởi nghiệp lớn nhỏ, dự án “Trà diếp cá” do hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy nghiên cứu, sản xuất đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Đó không chỉ là một giải thưởng tôn vinh, mà với bản thân chị Lụa, đây là một sự ghi nhận rất lớn, một phương thức lan tỏa và truyền cảm hứng đến nhiều chị em phụ nữ đang băn khoăn với câu chuyện khởi nghiệp.
Chị tâm sự: “Để tìm được những thành công bước đầu, ai cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Bản thân tôi cũng vậy, chồng tôi là bộ đội nên rất hiếm khi có thời gian san sẻ việc nhà, vậy nên, tôi phải tự biến mình thành người phụ nữ độc lập, cùng lúc vừa cáng đáng việc gia đình, vừa chăm sóc hai cậu con trai, vun vén thật tốt, rồi mới dành thời gian cho công việc ở cơ sở sản xuất. Những ngày bận rộn, mãi đến khuya mới được ngủ, không phải là hiếm đối với tôi. Cũng có những lúc bản thân “căng như dây đàn”, nhưng vẫn tôi phải tự tìm cách cân bằng cuộc sống…
Bí quyết là tôi vẫn thường tự nhủ, mình làm được! Khi mình tin vào chính mình, thì việc gì cũng ắt thành công. Bản thân tôi cũng là một người luôn giữ suy nghĩ tích cực, không dể dàng “đầu hàng” thử thách. Và tôi cho rằng, chính những thành công nho nhỏ của mình cũng đang tạo niềm tin cho phụ nữ. Mọi người sẽ thấy hành trình bắt đầu một lĩnh vực mới của tôi đủ tâm huyết, đủ quyết tâm như thế nào…”.
Với những bước đi tiên phong, đến nay, gia đình chị Lụa không chỉ trở thành hộ kinh doanh sản xuất giỏi ở địa phương, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thường xuyên và lao động theo mùa vụ. Cùng với đó, cơ sở sản xuất trà diếp cá của gia đình chị cũng đang trực tiếp tạo việc làm cho nhiều bà con nông dân ở địa phương, khi kết hợp và bao tiêu đầu ra nông phẩm.
Sau sản phẩm trà diếp cá, người phụ nữ xứ Lạng cũng có thêm nhiều ý tưởng mới. Điển hình là sản phẩm trà xạ đen, với nguyên liệu chính đều là những nông sản dược liệu sẵn có, dễ tìm ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ trông chờ vào nguồn nguyên liệu sẵn có, chị Lụa cũng chủ động nhân rộng quy mô vùng nguyên liệu: “Vừa qua, tôi đã thu mua khoảng 5.000 cây giống xạ đen, để mang về địa phương trồng thí điểm. Hy vọng, chúng tôi sẽ sớm được nhìn thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo cung cấp cho quy mô sản xuất ngày một phát triển”.
Và theo người phụ nữ 35 tuổi này, đây sẽ là cơ hội để mở ra vùng chuyên canh nguồn nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn: “Nhiều năm qua, chứng kiến cảnh bà con nông dân quanh năm cần mẫn với ruộng vườn, mà trồng ớt cũng mất giá, trồng dưa hấu cũng bấp bênh…, tôi không khỏi xót thay. Nếu có thể, tôi rất muốn mô hình của mình được nhân rộng, không chỉ tạo việc làm cho thêm nhiều nhân công, mà còn giúp thay đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Vi Thị Lụa bày tỏ: “Tôi vẫn luôn muốn tìm cách hạ giá thành sản phẩm để những túi trà diếp cá có thể đến tay nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Đồng thời, tôi cũng muốn thử sức nâng cấp một số sản phẩm để tạo thành dòng cao cấp hơn, nâng tầm thẩm mỹ, phục vụ nhu cầu biếu tặng đối với những khách hàng có nhu cầu.
Tôi cũng đang ấp ủ những nghiên cứu về sản phẩm mới trong thời gian tới. Và đối với tôi, bất kỳ sản phẩm nào cũng phải hướng đến tác động tích cực đối với sức khỏe của khách hàng, điều đó mới làm nên giá trị!”.