Liên quan đến vấn đề học sinh đi học trở lại, báo Tiền Phong dẫn lời ông Trần Thế Cương -Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc học sinh đến trường không chỉ là mong muốn của cá nhân ông mà còn của đông đảo người dân thành phố. Bởi vì một tiết học trực tiếp học sinh ở lớp, được tương tác với bạn bè, thầy cô giáo sẽ bằng từ 20 đến 30 tiết học trực tuyến. Học trực tuyến có rất nhiều vấn đề như sóng, thiết bị, tương tác giữa giáo viên và học sinh, tương tác giữa học sinh và học sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn cần khắc phục. Cụ thể đó là vấn đề chưa có vắc xin cho học sinh dưới 18 tuổi. “Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi triển khai thực hiện mở cửa trường học, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này”, ông Cương nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khi cho học sinh trở lại trường, cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước sau đó theo lộ trình dần dần cho các cháu còn lại đi học. Tuy nhiên, việc này ban đầu cũng sẽ chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch Covid-19.
Lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp để đề ra giải pháp làm thế nào vừa khôi phục kinh tế, xã hội vừa để học sinh sớm quay lại trường học sau một thời gian nghỉ phòng dịch kéo dài. Đặc biệt Nghị quyết 128 Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để Thành phố, Sở GD&ĐT xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.
TP Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát, hướng dẫn phòng chống Covid-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo. Hà Nội yêu cầu thực hiện các giải pháp thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của Bộ Y tế.
Hiện Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Theo nguồn tin từ báo VietNamNet, lãnh đạo một số Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai cũng mong muốn cho học sinh lớp đầu cấp đi học trở lại bởi việc học trực tuyến chắc chắn không thể hiệu quả bằng trực tiếp.
Các địa phương trên đã nhiều ngày không có ca F0. Đặc biệt như ở Ba Vì, học sinh chủ yếu ở trong xã, ít trường hợp liên xã nên có thể ít nguy cơ lây lan dịch bệnh hơn khu vực nội thành. Vì vậy, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT rất mong muốn được "khoanh vùng" để học sinh các "vùng xanh" này tận dụng thời gian vàng đi học trở lại.
Trước đó, trong buổi giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương cuối tháng 9/2021, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, việc cho học sinh trở lại trường là điều thành phố rất mong muốn, nhưng cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng.
Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, trong phương án sắp tới, Hà Nội sẽ yêu cầu các trường, các địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ xem xét thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.